Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn bổ sung việc giảm thuế, miễn thuế

sử dụng đất nông nghiệp

____________________________

Thi hành Điều 14, 15, 16, 17 và Điều 18 Chương V, Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ về việc giảm thuế, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp Bộ Tài chính đã  hướng dẫn tại mục V Thông tư số 89 TC/TCT ngày 9/11/1993, nay Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung chi tiết như sau:

I / CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC XÉT GIẢM THUẾ, MIỄN THU SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

1/ Các loại đất được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 74/CP ngày 25/120/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp:

a) Đất đồi núi trọc được dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp từ sau ngày 1 tháng 1 năm 1994.

b) Thời gian xây dựng cơ bản được miễn thuế đối với đất khai hoang dùng vào trồng cây lâu năm, đất trồng cây lâu năm chuyển sang trồng lại mới và đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả (áp dụng cả đối với phương pháp trồng chiết ghép) là thời gian xây dựng cơ bản thực tế của từng loại cây lâu năm gắn với từng phương pháp trồng (trồng hạt, trồng bằng chiết, ghép) do UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quy định theo hướng dẫn tại công văn số 628 TC/TCT ngày 19/3/1994 của Bộ Tài chính quy định thời gian xây dựng cơ bản của một số loại cây trồng chính.

Thời gian miễn thuế được cộng thêm sau thời gian xây dựng cơ bản của cây lâu năm trồng bằng phương pháp chiết ghép do UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quy định cho phù hợp với từng loại cây trồng ở địa phương và hợp lý đối với các cây trồng khác, nhưng tối đa không quá thời gian quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4, Điều 14 Nghị định số 74/ CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.

c) Đất khai hoang bằng nguồn vốn cấp phát của Ngân sách Nhà nước được miễn thuế và giảm thuế theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 là đất được khai hoang bằng nguồn vốn do Ngân sách Nhà Nước cấp vốn hoặc vốn có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước theo quy định tại mục I, công văn số 144 TC/TCT ngày 27/1/1992 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ thu trên vốn  Ngân sách Nhà-Nước đối với các đơn vị nông, lâm nghiệp quốc doanh.

d)  Đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản dùng vào sản xuất được ngay, đất do đất nương rẫy để sản xuất không được coi là đất khai hoang và không được miễn thuế. Trường hợp cá biệt đối với đất có mặt nước muốn dùng vào nuôi trồng thuỷ sản phải chi phí cải tạo lớn thì tuỳ đặc điểm cụ thể ở địa phương, UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thời gian miễn thuế cho phù hợp, nhưng không quá thời gian quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 14 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.

e) Đất trồng cây lâu năm kể cả trồng trước ngày 1/1/1994, nếu vẫn còn trong thời gian xây dựng cơ bản thì vẫn được miễn thuế trong thời gian xây dựng cơ bản còn lại và thời gian đầu tư khi có thu hoạch. Trường hợp đã hết thời gian xây dựng cơ bản thì được miễn thuế thời gian còn lại kể từ khi có thu hoạch theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 14 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.

Trường hợp đặc biệt năm 1993 và một vài năm trước đã thu thuế nông nghiệp, nay áp dụng Luật thuế mới nếu tính từ ngày 1/1/1994 vẫn còn trong thời gian được miễn thuế thì được miễn tiếp thời gian còn lại (thời gian được miễn thuế theo Luật tính cả thời gian đã thu thuế nông nghiệp trước đây), nhưng không hoàn lại cho hộ nộp thuế số thuế nông nghiệp đã thu trước ngày 1/1/1994.

f ) Đất rừng trồng được miễn thuế bao gồm: rừng trồng vào mục đích phòng hộ đầu nguồn, chắn sóng, chắn gió hoặc bão, chắn cát và rừng trồng vào mục đích đặc dụng như: vườn quốc gia; khu rừng bảo tồn thiên nhiên; khu rừng văn hoá - xã hội, nghiên cứu thí nghiệm do cơ quan có thẩm quyền về quản lý đất đai quyết định.

2/ Hộ nộp thuế thuộc diện được xét giảm thuế, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Điều 15, 16 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 được hướng dẫn thêm như sau:

a) Những trường hợp được miễn thuế

- Hộ di chuyển đến vùng kinh tế mới được miễn thuế theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ phải là hộ di chuyển đến các vùng kinh tế mới theo quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước.

- Hộ nông dân thuộc dân tộc thiểu số sống trên các sườn núi cao và vùng sâu, vùng xa hẻo lánh mà sản xuất và đời sống còn nhiều khó khăn được miễn thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 25/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ

Căn cứ vào thực tế  ở địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định phạm vi vùng sâu, vùng xa hẻo lánh ở địa phương mình để xét miễn thuế cho các hộ để nộp thuế theo quy định trên.

- Hộ nông dân mà chủ hộ là người tàn tật được miễn thuế theo quy định tại khoản 2, Điều 16 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ bao gồm:

+ Người tàn tật sống độc thân không nơi nương tựa

+ Chủ hộ là người trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật không còn  khả năng lao động và phải là hộ mà đời sống có nhiều khó khăn như quy định tại tiết c điểm 2 mục I Thông tư này.

- Hộ nộp thuế có thương binh hạng 1/4 và 2/4 bệnh binh hạng 1/3 và 2/3 được miễn thuế phải có các điều kiện sau:

+ Có hộ khẩu thường trú với hộ nộp thuế;

+ Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thương binh hạng 1/4 và 2/4, bệnh binh 1/3 và 2/3.

- Hộ liệt sỹ được miễn thuế: phải có ít nhất một thân nhân liệt sỹ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng của Nhà nước với mức 150.000đ/ tháng theo quy định tại Nghị định số 05/CP ngày 26/1/1994 của Chính phủ và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ.

b. Những trường hợp được giảm thuế bao gồm:

- Các hộ nông dân sản xuất ở vùng cao, miền núi, hải đảo biên giới, hộ nông dân là dân tộc thiểu số mà đời sống còn nhiều khó khăn quy định tại tiết c điểm 2 mục I của Thông tư này, ngoài đối tượng được miễn thuế quy định  tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.

- Hộ gia đình có thương binh, bệnh binh, hộ gia đình liệt sỹ được xét giảm thuế theo quy định tại khoản 6 điều 16 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ được quy định như sau:

+ Đối với hộ gia định liệt sỹ phải có thân nhân của liệt sỹ đang được hưởng trợ cấp định suất cơ bản của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 05/CP ngày 16/1/1993 của Chính phủ, có giấy chứng nhận là gia đình liệt sỹ do cơ quan Nhà nươc có thẩm quyền cấp và phải là hộ đời sống có nhiều khó khăn theo quy định tại tiết c điểm 2 mục I của Thông tư này.

+ Đối với hộ gia đình có thương binh, bệnh binh phải có giấy chứng nhận là thương binh, bệnh binh do cơ quan Nhà nươc có thẩm quyền cấp và phải là hộ mà đời sống có nhiều khó khăn theo quy định tại tiết c điểm 2 mục I của Thông tư này.

Mức giảm thuế đối với từng trường hợp do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cho phù hợp với thực tế ở từng địa phương, nhưng tối đa không quá 50% số thuế ghi thu của hộ.

Trường hợp một hộ gia đình liệt sỹ nay tách thành nhiều hộ thì chỉ xét giảm thuế cho một hộ mà đời sống có nhiều khó khăn nhất do UBND xã, phường, thị trấn đề nghị.

c. Hộ nộp thuế mà đời sống còn nhiều khó khăn và hộ nộp thuế thuộc dân tộc thiểu số ở các vùng khác mà đời sống có nhiều khó khăn được xem xét miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ là những hộ sau:

+ Chủ hộ già yếu, cô đơn, không có nơi nương tựa, hoặc gặp tai nạn bất ngờ, hoặc  chủ hộ là lao động chính bị ốm đau kéo dài;

+ Hộ gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sỹ ngoài đối tượng được miễn thuế và hộ nộp thuế mà chủ hộ là người trong  độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật không còn khả năng lao động đời sống còn nhiều khó khăn, nếu bị ốm đau kéo dài, hoặc bị tai nạn bất ngờ, hoặc trong hộ chỉ có một lao động chính phải nuôi dưỡng từ 3 người trở lên.

3) Trường hợp giảm, miễn thuế do thiên tai làm mùa màng bị thiệt hại.

Phương pháp tính giảm thuế, miễn thuế khi có thiên tai địch hoạ được thực hiện theo quy định tại mục V Thông  tư số 89 TC/TCT ngày 9/11/1993 của Bộ Tài chính và được cụ thể thêm một số điểm như sau:

a. Thiên tai, địch hoạ làm mùa màng thiệt hại được xét giảm hoặc miễn thuế gồm:

- Đối với đất trồng cây hàng năm là thiệt hại do bão, lũ lụt, hạn úng, sâu bệnh kéo dài, phá hoại mùa màng mà sức người không khắc phục được, làm giảm sản lượng thu hoạch từ 10%  đến 40% được giảm thuế, từ 40% trở lên được miễn thuế;

- Đối với đất trồng cây lâu năm và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, thiệt hại do thiên tai, địch hoạ làm giảm cả sản lượng và giá trị sản lượng. Căn cứ vào thực tế của từng địa phương và theo cách đánh  giá mức độ thiệt hại về sản lượng hoặc giá  trị sản lượng như đối với đất trồng cây hàng năm; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thiệt hại để xét giảm, miễn thuế cho   phù hợp với từng loại đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương.

b. Năng suất dùng để tính tỷ lệ (%) thiệt hại do thiên tai làm căn cứ xét giảm, miễn thuế được quy định như sau:

- Đối với cây hàng năm là năng suất trung bình của từng hạng đất khi phân hạng đất tính thuế ở địa phương phù  hợp với năng suất tham khảo khi phân hạng đất tính thuế. Nhưng tối đa, năng suất bình quân 1 vụ (đối với ruộng 2 vụ trở lên) của đất hạng 1 không quá 3500 kg thóc/ha; Đất hạng 2 không qúa 3000 kg thóc/ha. Đất hạng 3 không quá 2500 kg thóc/ha ;Đất hạng 4 không quá 2000 kg thóc/ha một vụ. Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cho đất hạng 5 và hạng 6 cho phù hợp với năng suất tham khảo của hạng đất.

- Đối với đất trồng cây lâu năm và mặt nước mặn, lợ nuôi trồng thuỷ sản, việc xác định năng suất được thực hiện theo 1 trong 2 phương pháp sau:

Phương pháp 1:

Xác định năng suất trung bình của  từng loại thuỷ sản, của từng loại cây lâu năm trên từng hạng đất tính thuế ở địa phương.

Phương pháp 2:

Xác định năng suất trung bình của từng loại thuỷ sản, từng loại cây lâu năm được quy đổi  ra thóc tính trên từng hạng đất tính thuế ở địa phương.

Cục thuế phối hợp với các ngành có liên quan (nông nghiệp, thống kê . . .) xác định sản lượng thu hoạch thực tế trên đất trồng cây lâu năm, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản theo từng loại nông sản, thuỷ sản hoặc quy đổi tỷ lệ các loại hiện vật nông sản thuỷ sản ra thóc để làm căn cứ xác định tỷ lệ thiệt hại trên từng hạng đất theo một trong hai phương pháp trên đây.

Việc xác định sản lượng hoặc giá trị sản lượng thu hoạch thực tế khi có thiên tai làm mùa màng thiệt hại được thực hiện theo 1 trong 2 phương pháp trên đây phù hợp với phương pháp đã áp dụng khi xác định năng suất trung bình của hạng đất tính thuế.

Tuỳ đặc điểm của từng địa phương mà áp dụng 1 trong 2 phương pháp trên cho phù hợp với thực tế và báo cáo Bộ Tài chính (Tổng cục thuế).

c. Về giảm miễn thuế theo vụ: Chỉ áp dụng cho các địa phương thực hiện lập sổ thuế theo vụ ngay từ đầu năm, đúng thời hạn quy định tại Điều 9 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.

Việc lập sổ thuế theo vụ theo nguyên tắc ruộng đất thu hoạch ở vụ nào thì lập sổ thuế và xác định thuế ghi thu cho vụ đó. Ruộng 2 vụ trở lên thì tuỳ vào thực tế sản xuất, cơ cấu năng suất thu hoạch của từng vụ so với cả năm để thực hiện phân chia  thuế ghi thu cho từng vu. Căn cứ vào hướng dẫn này và mùa vụ thu hoạch thực tế ở địa phương, Cục thuế quy định cụ thể việc lập sổ thuế theo vụ ở địa phương và  báo cáo Tổng cục thuế.

Nếu trong năm, vụ đầu thu thuế đã được xét và  quyết định giảm thuế, vụ còn lại nếu bị thiệt hại cũng chỉ được xét giảm thuế, miễn thuế theo từng phần thuế ghi thu tính trên diện tích của vụ còn lại.

Những địa phương nào mùa vụ phức tạp chưa xác định được diện tích, thuế ghi thu từng vụ cho hộ nộp thuế ngay từ đầu năm khi lập sổ thuế thì việc xét và quyết định giảm thuế, miễn thuế hàng năm chỉ được thực hiện một lần.

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ XÉT DUYỆT GIẢM, MIỄN THUẾ SỬ  DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Đã được quy định tại mục V Thông tư số 89 TC/TCT ngày 9/11/1993, nay hướng dẫn thêm như sau:

1. Mọi trường hợp được giảm thuế, miễn thuế đều phải xét hàng năm

Riêng trường hợp được miễn thuế theo quy định tại điểm 1 mục I của  Thông tư này, hộ nộp thuế phải khai báo với cơ quan thuế về: Loại đất (đất đồi trọc, đất khai hoang . . .) có xác nhận của ngành địa chính về diện tích và thời gian sử dụng đất. Đối với đất trồng các loại cây lâu năm phải khai báo năm trồng, phương pháp trồng, thời gian bắt đầu cho thu hoạch. Đất rừng trồng được miễn thuế phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các trường hợp:

- Đất đồi núi trọc dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.

- Hộ nông dân sản xuất còn nhiều khó khăn theo quy định tại các trường hợp 1, 2 (gạch đầu dòng thứ nhất, thứ hai) của khoản 1 Điều 16 Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.

Đất thuộc diện được miễn thuế theo quyết định của UBND tỉnh như đã nói trên đây và đất khai hoang dùng vào sản xuất nông nghiệp còn trong thời hạn được miễn thuế không đưa vào lập sổ thuế nhưng phải được theo dõi riêng.

2. Quyết định giảm, miễn thuế hàng năm của địa phương phải gửi cho Bộ Tài chính (Tổng Cục thuế)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giảm, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thuộc địa phương mình; chỉ đạo Cục thuế và các ngành có liên quan, UBND cấp huyện, quận, thị xã thực hiện công tác giảm, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ, Thông tư số 89 TC/TCT ngày 9/11/1993 của Bộ Tài chính và các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.

2) Hội đồng tư vấn thuế sử dụng đất nông nghiệp các cấp phối hợp với ngành thuế giúp UBND các cấp xét duyệt các đối tượng trường hợp giảm, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để ngành thuế tổng hợp trình  UBND cùng cấp xét duyệt.

3) Thông tư này có hiệu lực thi hành từ năm thuế sử dụng đất nông nghiệp 1994./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao