Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy định về việc giải ngân cho các tổ chức

tín dụng tham gia quỹ phát triển nông thôn

____________________

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Hiệp định Tín dụng Phát triển số 2855-VN giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế của Dự án Tài chính Nông thôn ký ngày 19/7/1996;

Căn cứ Thư giải ngân của Ngân hàng Thế giới cho Dự án Tài chính Nông thôn ngày 24/7/1996;

Căn cứ Thông tư liên bộ Ngân hàng Nhà nước - Tài chính số 09/TC-NH ngày 30/5/1994 về việc quản lý và sử dụng vốn vay của các Tổ chức tín dụng Quốc tế;

Căn cứ các quy định về Quản lý ngoại hối hiện hành;

Căn cứ Sổ tay giải ngân của Ngân hàng Thế giới (1992);

Căn cứ Sổ tay Kế toán, Kiểm toán và Báo cáo Tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB);

Căn cứ Quyết định số 269/QĐ-NH9 ngày 23/9/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thành lập Ban Quản lý Dự án Ngân hàng;

Căn cứ Quy chế Quản lý và Sử dụng quỹ Phát triển Nông thôn ban hành theo Quyết định số 47/QĐ-NH21, ngày 28/2/1997 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước;

Theo đề nghị của Trưởng ban Quản lý Dự án Ngân hàng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về việc giải ngân cho các Tổ chức Tín dụng tham gia Quỹ Phát triển Nông thôn - Dự án Tài chính Nông thôn.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Thống đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án Ngân hàng, thủ trưởng các đơn vị liên quan ở Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Tổng giám đốc (Giám đốc) Tổ chức Tín dụng tham gia Quỹ phát triển Nông thôn - Dự án Tài chính Nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 

 

Đỗ Quế Lượng

(Đã ký)

 

 

QUY ĐỊNH

 

Về việc giải ngân cho các tổ chức tín dụng tham gia

quỹ phát triển nông thôn

(Ban hành kèm theo Quyết định số 329/QĐ-NH21 ngày 7 tháng 10 năm 1997)

__________________________

 

Chương 1:

NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ CHUNG

Điều 1. Các Tổ chức Tín dụng đủ tiêu chuẩn và được lựa chọn tham gia Quỹ Phát triển Nông thôn (sau đây gọi tắc là RDF) có quyền vay vốn từ khoản Tín dụng số 2855-VN trong hạn mức tín dụng được phân bổ để cho vay lại các tiểu dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hợp lệ;

Điều 2. Trong khuôn khổ Dự án này, Ban quản lý Dự án Ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân cho các Tổ chức Tín dụng tham gia thông qua Tài khoản đặc biệt;

Điều 3. Các Tổ chức Tín dụng gửi bản đăng ký mẫu dấu và chữ ký của các cán bộ lãnh đạo và các cán bộ giao dịch được uỷ quyền ký trên các hồ sơ xin vay vốn và nhận tiền vay (gửi 1 bộ khi xin vay vốn lần đầu);

Điều 4. Để được vay vốn, các Tổ chức tín dụng tham gia dự án căn cứ vào hạn mức tín dụng đã được phân bổ để lập kế hoạch xin vay vốn ngắn, trung và dài hạn cho năm tài chính tiếp theo gửi Ban Quản lý Dự án Ngân hàng trước ngày 15/9 của năm tài chính hiện hành. Kế hoạch này sẽ được Ban Quản lý Dự án xem xét và tổng hợp thành một kế hoạch chung để điều phối vốn, gửi Ngân hàng Thế giới (sau đây gọi tắt là WB) và Bộ Tài chính.

Chương 2:

CƠ SỞ ĐỂ GIẢI NGÂN CHO CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Điều 5. Cơ sở để Ban Quản lý Dự án Ngân hàng giải ngân cho 1 Tổ chức Tín dụng, cụ thể như sau:

5.1. Khoản vốn xin giải ngân phải nằm trong kế hoạch hoặc xin vay vốn được Ban Quản lý Dự án Ngân hàng chấp thuận;

5.2. Hợp đồng tín dụng gốm các nội dung cơ bản sau đây: điều kiện vay, mục đích vay, hình thức vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm (nếu có), phương thức trả nợ, lịch trình rút vốn, tài khoản giao dịch nhận vốn của Tổ chức Tín dụng và những cam kết khác được hai bên thoả thuận;

5.3. Khế ước nhận nợ.

5.4. Các hồ sơ chứng từ kèm theo: tuỳ theo từng hạn mức tiền vay của các món cho vay lại mà Ban quản lý Dự án Ngân hàng có quy định riêng như được nêu tại Điều 6 khoản 6.3.

Chương 3:

QUY TRÌNH GIẢI NGÂN

Điều 6. Thủ tục chứng từ xin giải ngân:

Khi có nhu cầu vay vốn các Tổ chức Tín dụng được lựa chọn tham gia dự án này cần phải lập "hồ sơ xin vay vốn" gồm:

6.1. Hợp đồng tín dụng: Các tổ chức tín dụng điền vào các "Hợp đồng Tín dụng" theo mẫu của Ngân hàng Nhà nước qui định và gửi Ban quản lý Dự án Ngân hàng. Khi điền Hợp đồng Tín dụng các Tổ chức Tín dụng cần chú ý một số điểm:

a) Lịch trình giải ngân: nêu rõ số đợt giải ngân, thời gian và số tiền cụ thể của từng đợt.

b) Kế hoạch trả nợ: trong kế hoạch này phải nêu rõ thời hạn trả lãi và gốc của khoản vay.

- Trả nợ lãi: trừ khi có sự thoả thuận khác giữa hai bên, các Tổ chức Tín dụng phải chủ động thanh toán lãi cho Ban quản lý Dự án Ngân hàng vào các ngày 1/2; 2/5; 1/8; 1/11 hàng năm theo phương thức như sau: đến ngày trả lãi, các bên vay (Tổ chức Tín dụng) chủ động trả lãi cho Ban quản lý Dự án Ngân hàng. Trường hợp ngày trả lãi vay trùng với các ngày lễ và ngày chủ nhật thì ngày trả lãi được tính vào ngày làm việc kế tiếp. Nếu quá 5 ngày tính từ các ngày phải trả lãi đã được xác định ở trên mà Ban quản lý Dự án Ngân hàng chưa nhận được tiền hay bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ là tiền đã được chuyển đi nhưng Ban Dự án chưa nhận được thì Ban quản lý Dự án Ngân hàng có quyền lập uỷ quyền thu chuyển tới Sở giao dịch NHNNTW - hoặc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi bên vay mở tài khoản tiền gửi để trích tài khoản tiền gửi của bên vay, trả lãi vay phù hợp với Hợp đồng Tín dụng đã ký giữa Tổ chức Tín dụng và Ban Quản lý Dự án Ngân hàng và thông báo cho bên vay biết;

- Đối với lãi suất nợ quá hạn: sẽ được tính và thu theo các qui định hiện hành do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành về phương pháp tính và thu lãi của các khoản vay quá hạn của các Tổ chức Tín dụng;

- Trả nợ gốc: bên vay phải nêu rõ số đợt trả, thời gian cụ thể và số tiền cụ thể của từng đợt thanh toán nợ gốc cho Ban quản lý Dự án Ngân hàng. Bên vay theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng thanh toán nợ gốc cho Ban quản lý dự án ngân hàng theo phương thức như sau: Khi đến hạn của hợp đồng, bên vay chủ động trả nợ cho Bên cho vay. Nếu quá hạn 5 ngày kể từ ngày cam kết thanh toán nêu trong Hợp đồng Tín dụng mà Ban quản lý Dự án Ngân hàng chưa nhận được tiền hay bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ là tiền đã được chuyển đi nhưng Ban Quản lý Dự án chưa nhận được thì Ban quản lý Dự án Ngân hàng có quyền áp dụng biện pháp như đã nêu ở phần trả nợ lãi. Trường hợp trên tài khoản tiền gửi không có hoặc không đủ tiền để thanh toán nợ gốc thì số nợ chưa thanh toán được sẽ được chuyển sang nợ quá hạn kể từ ngày đến hạn hay gia hạn nợ.

6.2. Các Tổ chức Tín dụng "Khế ước nhận nợ" đối với khoản tiền xin rút trong từng đợt (1) (xem mẫu ở Phụ đính 1) ứng với từng lần nêu trong lịch trình giải ngân.

a) Trong "Khế ước nhận nợ" phải nêu rõ số tiền xin rút của một đợt, đồng tiền rút, chỉ dẫn thanh toán (tài khoản nhận tiền vay số.... tại ngân hàng................).

b) "Khế ước nhận nợ" do các tổ chức tín dụng tham gia lập và đánh số theo nguyên tắc sau:

- "Khế ước nhận nợ" phải được đánh số theo thứ tự bắt đầu từ số 1;

- Tiếp theo là gạch chéo và ghi số của Hợp đồng Tín dụng;

- Tiếp theo là gạch ngang và tên của Tổ chức Tín dụng vay vốn.

Ví dụ: Hợp đồng Tín dụng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Ban Quản lý Dự án Ngân hàng có số 23/BQLDANN-HĐ thì số khế ước nhận nợ cho đợt rút vốn thứ 3 của Hợp đồng này được đánh số là 3/23-BIDV.

6.3. Các chứng từ kèm theo:

a) Các tiểu dự án, Phương án sản xuất - kinh doanh có giá trị dưới 20.000 USD và tương đương: Ban quản lý Dự án Ngân hàng sẽ giải ngân cho các tiểu dự án trên cơ sở Tổ chức Tín dụng tự thẩm định. Trường hợp Tổ chức Tín dụng đã tự giải ngân trước cho các tiểu dự án này thì Ban quản lý Dự án Ngân hàng sẽ giải ngân trên cơ sở sao kê các khoản chi tiêu (Xem mẫu tại Phụ lục II) với điều kiện là các tiểu dự án đã được Tổ chức Tín dụng giải ngân bằng vốn của mình không quá 3 tháng tính đến ngày Tổ chức Tín dụng nộp đơn xin vay vốn cho Ban quản lý Dự án Ngân hàng.

b) Các tiểu dự án, Phương án sản xuất - kinh doanh có giá trị từ 20.000 USD đến 150.000 USD và tương đương: Ban quản lý Dự án Ngân hàng sẽ chỉ chấp thuận giải ngân sau khi xem xét và thông qua hồ sơ thẩm định dự án do Tổ chức Tín dụng thực hiện. Tuy nhiên cũng có thể có các ngoại lệ trong trường hợp Tổ chức Tín dụng được ban quản lý Dự án Ngân hàng đánh giá là thực hiện nghiêm túc quá trình thẩm định các dự án, đạt kết quả cao trong các hoạt động ngân hàng, Ban quản lý Dự án Ngân hàng có thể đề nghị với WB miễn thủ tục thẩm định lại tiểu dự án. Phương án sản xuất - kinh doanh do các Tổ chức Tín dụng trình lên. Nếu được WB chấp thuận, việc giải ngân cho các khoản vay cho Tổ chức Tín dụng này được thực hiện như đối với khoản vay có giá trị dưới 20. 000 USD tương đương, có nghĩa là giải ngân trên cơ sở sao kê các khoản chi.

c) Các tiểu dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có giá trị trên 150.000 USD: ban quản lý Dự án Ngân hàng chỉ giải ngân khi được sự đồng ý của WB.

d) Đối với cả ba trường hợp nêu tại điểm (a), (b), (c) trên, Ban quản lý dự án Ngân hàng sẽ chấp thuận cho các Tổ chức Tín dụng tối đa 60 ngày kể từ ngày thông qua khoản vay để chuẩn bị hồ sơ các khoản vay lại, các chứng từ mua sắm và thanh toán gửi Ban Quản lý Dự án Ngân hàng hoặc được lưu tại Tổ chức Tín dụng theo yêu cầu của từng loại chứng từ được phân biệt theo 3 mức giá trị của các tiểu dự án được nêu ở trên. Nếu một Tổ chức Tín dụng không gửi hoặc không có được hồ sơ khoản vay lại từ Quỹ Phát triển nông thôn theo yêu cầu trong một khoảng thời gian đã xác định nêu trên, thì khoản vay lại từ Quỹ RDF sẽ bị từ chối và ngoài ra sẽ bị phạt theo mức được Ngân hàng Nhà nước quy định.

Điều 7. Xử lý các "Hồ sơ xin vay vốn" để giải ngân.

7.1. Trường hợp các tiểu dự án, phương án sản xuất - kinh doanh xin vay vốn là hợp lệ, được chứng minh bằng các chứng từ, hồ sơ đính kèm và nếu số dư trên tài khoản đặc biệt của dự án đủ đáp ứng khoản tiền xin rút đó thì căn cứ vào số tiền xin rút trong "Khế ước nhận nợ" lần thứ nhất Ban Quản lý Dự án Ngân hàng sẽ giải ngân cho tiểu dự án, phương án sản xuất - kinh doanh.

7.2. Khi nhận được "Khế ước nhận nợ" cho các đợt rút vốn sau của các khoản vay đã được duyệt, Ban Quản lý Dự án Ngân hàng kiểm tra số dư chưa rút theo "Hợp đồng tín dụng" (trong "Hồ sơ xin vay vốn"), việc tuân thủ các quy định tại Chương III, Điều 6, khoản 6.3, điểm (d) của các đợt rút vốn trước, nếu không có gì vi phạm thì Ban Quản lý Dự án Ngân hàng sẽ giải ngân cho tiểu dự án, phương án sản xuất - kinh doanh.

Nếu tại cùng một thời điểm mà có nhiều thành viên cùng nộp "Hồ sơ xin vay vốn" (đối với các khoản vay mới) hay các "Khế ước nhận nợ" (đối với các khoản vay đã được giải ngân một phần) và tổng số tiền xin rút vốn tại cùng một thời điểm trên các Hồ sơ xin vay vốn và các Khế ước nhận nợ hợp lệ vượt quá số dư hiện có của tài khoản đặc biệt thì Ban Quản lý Dự án Ngân hàng sẽ giải ngân theo trật tự ưu tiên đối với các Hồ sơ nộp trước. Đồng thời Ban Quản lý Dự án Ngân hàng lập "Đơn xin rút vốn" gửi WB để rút vốn về tài khoản đặc biệt. Trong trường hợp như vậy, Ban Quản lý Dự án Ngân hàng sẽ thông báo cho các đơn vị tham gia về việc các Khế ước nhận nợ này phải chờ rút vốn từ WB thì Ban Quản lý Dự án Ngân hàng mới có thể giải ngân. Thời gian chờ có thể mất 3 tuần kể từ ngày nộp Khế ước nhận nợ vay.

Điều 8. Đối với các "Hồ sơ xin rút vốn" không hợp lệ:

Trường hợp vì lý do nào đó mà toàn bộ hay một phần số tiền trong "Hồ sơ xin vay vốn" không hợp lệ thì Ban Quản lý Dự án Ngân hàng sẽ thông báo ngay cho các Tổ chức Tín dụng xin vay và nêu từng điểm không hợp lệ đó để Tổ chức Tín dụng điều chỉnh lại.

Chương 4:

TỔ CHỨC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG VỐN VAY TỪ QUỸ RDF CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Điều 9. Các Tổ chức Tín dụng nhận vốn vay từ Quỹ RDF phải mở các sổ sách theo dõi riêng đối với việc sử dụng khoản vốn này, phải sử dụng một số ký hiệu tiểu khoản thống nhất trong các tài khoản kế toán đang áp dụng để theo dõi riêng cho các hoạt động: nhận vốn vay từ quỹ RDF, cho vay lại người vay cuối cùng bằng nguồn vốn vay từ Quỹ RDF, thu hồi các khoản cho vay từ Quỹ RDF, chuyển sang nợ quá hạn các khoản cho vay từ Quỹ RDF đã đến hạn nhưng chưa thu được nợ, hoàn trả Ngân hàng Nhà nước vốn vay từ Quỹ RDF...

Điều 10. Các Tổ chức Tín dụng lưu các chứng từ, hồ sơ gốc và tổ chức hạch toán kế toán việc sử dụng vốn vay từ Quỹ RDF. Tại bất cứ thời điểm nào, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới có quyền kiểm tra hồ sơ, chứng từ kế toán liên quan đến khoản vay của Tổ chức Tín dụng. Nếu phát hiện có sự vi phạm các quy định về tính đầy đủ và hợp pháp của hồ sơ chứng từ liên quan tới vốn tham gia từ quỹ này thì Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn việc cho vay đối với Tổ chức Tín dụng đó từ Quỹ RDF.

Điều 11. Các Tổ chức Tín dụng theo dõi và lập các báo cáo định kỳ và đột xuất về việc sử dụng vốn vay từ Quỹ RDF đáp ứng các yêu cầu kiểm tra, phân tích, kiểm toán và đánh giá việc sử dụng vốn vay từ Quỹ này.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 12. Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Ngân hàng Nhà nước

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Đỗ Quế Lượng