Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu và cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp để trừ nợ nước ngoài cho nhà nước.

___________________________

 Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 26 tháng 6 năm 1993 của  Chính phủ về việc ban hành Quy chế tạm thời về trả nợ nước ngoài bằng hàng hoá xuất khẩu, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán tiền hàng hoá và cung ứng dịch vụ xuất khẩu trừ nợ nước ngoài cho Nhà nước, cụ thể như sau:

I/ QUY ĐỊNH CHUNG:

1/  Bộ Tài chính chỉ thanh toán tiền Việt nam cho các doanh nghiệp được Nhà nước giao hạn mức xuất khẩu trả nợ đã ký Hợp đồng thanh toán với  Bộ Tài chính, đã xuất khẩu và có đầy đủ các chứng từ hợp lệ nêu trong điểm 2 mục b phần II dưới đây.

2/ Hàng hoá xuất khẩu trả nợ phải là hàng hoá được sản xuất trong nước.

3/ Tỷ giá thanh toán được quy định cho từng nhóm hàng, mặt hàng, dịch vụ theo hai phương thức sau:

- Đối với ngoại tệ tự do chuyển đổi được quy định theo tỷ lệ phần trăm và không vượt quá tỷ giá mua vào do Ngân hàng Ngoại thương Trung ương công bố tại thời điểm Ngân hàng Ngoại thương TW xác nhận bộ chứng từ thanh toán.

- Đối với ngoại tệ không chuyển đổi quy định bằng số tuyệt đối cho từng loại ngoại tệ cụ thể.

II/ QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1/ Về tỷ giá thanh toán:

a/ Đối tượng được xét tỷ giá là các mặt hàng, nhóm mặt hàng, dịch vụ xuất khẩu trả nợ do các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cung ứng hoặc được phép kinh doanh.

b/ Nguyên tắc xác định tỷ giá:

Việc xác định tỷ giá phải đảm bảo nguyên tắc:

- Tiến hành công khai, công bằng.

- Cùng một mặt hàng, một thị trường, một thời điểm xác định tỷ giá thì áp dụng cùng một tỷ giá.

- Tỷ giá được xác định phải vừa bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý cho doanh nghiệp vừa tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước.

Chi phí hợp lý của doanh nghiệp gồm:

+ Giá thành sản xuất (nếu là mặt hàng sản xuất, gia công), hoặc giá mua (nếu là mặt hàng thu mua), hoặc giá thành cung ứng dịch vụ  được xác định trên cơ sở thực tế hợp lý.

+ Các chi phí xuất khẩu, lãi vay Ngân hàng, các loại thuế (nếu có), và các chi phí hợp lý khác.

+ Khi xác định tỷ giá căn cứ vào giá bán ghi trong Hợp đồng ngoại (đã ký). Trường hợp chưa có Hợp đồng ngoại, có thể căn cứ vào giá bán đã thực hiện năm trước và tham khảo giá thị trường thế giới ở thời điểm duyệt tỷ giá.

c/ Quy trình xác định tỷ giá:

- Khi nhận được thông báo hạn mức xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ trả nợ cho Nhà nước, các doanh nghiệp cần:

+ Tiến hành đàm phán với đối tác nước ngoài để ký Hợp đồng ngoại.

+ Lập và chịu trách nhiệm về tính xác thực của phương án tỷ giá thanh toán, gửi  Bộ Tài chính, Ban Vật giá  Chính phủ, Bộ Thương mại, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Văn phòng  Chính phủ, là những thành viên của Tổ công tác định tỷ giá.

- Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày các thành viên của Tổ công tác định tỷ giá nhận được phương án tỷ giá của doanh nghiệp, căn cứ vào phương án đó,  Bộ Tài chính chủ trì cùng Tổ công tác định tỷ giá thống nhất xác định mức tỷ giá thanh toán và kiến nghị lãnh đạo  Bộ Tài chính quyết định. Trường hợp giữa lãnh đạo các Bộ, cơ quan trong thành phần Tổ công tác còn có ý kiến chưa thống nhất thì  Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2/ Hợp đồng thanh toán giữa  Bộ Tài chính và các doanh nghiệp:

a/ Thông báo tỷ giá và ký Hợp đồng thanh toán:

- Sau khi mức tỷ giá thanh toán đã được duyệt,  Bộ Tài chính sẽ thông báo bằng văn bản tới các doanh nghiệp, đồng thời thông báo cho các thành viên của Tổ công tác định tỷ giá để theo dõi.

- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nói trên, các doanh nghiệp đến ký Hợp đồng thanh toán với  Bộ Tài chính để thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên các doanh nghiệp không đến ký Hợp đồng, mà không có văn bản nói rõ lý do chậm trễ, thì  Bộ Tài chính sẽ không báo cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Thương mại để thống nhất chuyển giao hạn mức cho các doanh nghiệp khác thực hiện.

Đối với những mặt hàng Nhà nước chỉ định đầu mối xuất khẩu trả nợ thì  Bộ Tài chính chỉ ký Hợp đồng thanh toán với doanh nghiệp đầu mối đã được Nhà nước chỉ định.

- Riêng trường hợp đối với việc cung ứng dịch vụ (ví dụ: điện, nước, tiền thuê nhà ...) không có hạn mức giao cụ thể cho từng dịch vụ thì các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ trên phải gửi đăng ký dự kiến thực hiện và ký hợp đồng nguyên tắc với  Bộ Tài chính.

b/ Thủ tục thanh toán:

Các doanh nghiệp sau khi xuất hàng và thực hiện dịch vụ trả nợ, khi thanh toán tiền cần có:

- Đối với các doanh nghiệp xuất hàng trả nợ: bộ chứng từ thanh toán cho từng chuyến hàng xuất khẩu bao gồm:

+ Hoá đơn giao hàng xuất khẩu (bản gốc)

+ Vận tải đơn do chủ tàu ký (bản sao)

+ Giấy phép xuất khẩu của Bộ Thương mại (bản sao)

+ Tờ khai hàng xuất khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu (bản sao).

+ Xác nhận của Ngân hàng Ngoại thương TW “đã được nước ngoài trừ nợ, hoặc đã làm thủ tục thanh toán trừ nợ với nước ngoài”.

+ Bản tỷ giá do Ngân hàng Ngoại thương TW công bố vào thời điểm Ngân hàng Ngoại thương TW xác nhận bộ chứng từ thanh toán.

- Đối với các doanh nghiệp làm dịch vụ trừ nợ cần có:

+ Hợp đồng cung ứng dịch vụ ký với bên nhận cung cấp dịch vụ.

+ Hoá đơn cung cấp dịch vụ có xác nhận của người nhận dịch vụ.

+ Xác nhận của Ngân hàng Ngoại thương TW đã được nước  ngoài trừ nợ, hoặc đã làm thủ tục thanh toán trừ nợ, kèm theo bảng tỷ giá do Ngân hàng công bố.

c/ Thanh toán:

Sau khi kiểm tra bộ chứng từ thanh toán của doanh nghiệp, xác nhận là đầy đủ, hợp lệ,  Bộ Tài chính sẽ tiến hành chi tiêu đồng Việt nam như sau:

- Trả ngay 100% trị giá tiền hàng, dịch vụ nếu được Ngân hàng Ngoại thương TW xác nhận “đã được Ngân hàng nước ngoài trừ nợ cho Nhà nước toàn bộ trị giá lô hàng hoặc dịch vụ”.

- Trả 90% trị giá tiền hàng hoặc dịch vụ nếu Ngân hàng chỉ xác nhận “đã làm thủ tục thanh toán với nước ngoài để trừ nợ cho Nhà nước”.

Số 10% còn giữ lại,  Bộ Tài chính sẽ thanh toán tiếp cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp xuất trình bản xác nhận của Ngân hàng đã được Ngân hàng nước ngoài trừ nợ cho Nhà nước toàn bộ trị giá lô hàng (báo có).

 Bộ Tài chính chỉ thanh toán theo đúng trị giá kim ngạch đã ghi trong Hợp đồng thanh toán. Trong trường hợp việc xuất khẩu qua đầu mối thì  Bộ Tài chính sẽ thanh toán qua đơn vị đầu mối. Việc thanh toán riêng cho từng doanh nghiệp làm hàng trả nợ sẽ do  Bộ Tài chính xem xét và quyết định theo yêu cầu của đơn vị đầu mối.

3/ Các quy định khác:

- Doanh nghiệp đã ký hợp đồng thanh toán với  Bộ Tài chính, phải tự chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại (nếu có) do các nguyên nhân sau:

+ Không thực hiện đúng các điều khoản quy định trong hợp đồng, giao hàng không đúng thời hạn đã ký hoặc không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ giao hàng  khác, bị nước ngoài phạt.

+ Giao hàng kém phẩm chất bị nước ngoài từ chối thanh toán.

Trường hợp nếu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ trừ nợ bị nước ngoài từ chối thanh toán thì doanh nghiệp phải hoàn trả số tiền Việt nam tương đương đã được  Bộ Tài chính thanh toán kể cả tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi Ngân hàng không kỳ hạn kể từ ngày nhận số tiền thanh toán đến ngày hoàn trả  Bộ Tài chính.

Nếu bộ chứng từ giao hàng của doanh nghiệp đã được  Bộ Tài chính xác nhận là đầy đủ và hợp lệ, sau 30 ngày mà  Bộ Tài chính chưa thanh toán cho doanh nghiệp, thì từ ngày thứ 31 trở đi  Bộ Tài chính phải trả thêm cho doanh nghiệp khoản lãi do chậm trả tính theo lãi suất tiền vay do Ngân hàng quy định.

4/ Thanh lý hợp đồng:

Sau khi kết thúc việc giao hàng và thanh toán tiền hàng các doanh nghiệp cùng  Bộ Tài chính tiến hành thanh lý Hợp đồng thanh toán đã ký.

III/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế cho Thông tư số 65 - TC/TCĐN ngày 13 tháng 11 năm 1991 của  Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc các doanh nghiệp phản ánh kịp thời về  Bộ Tài chính để xử lý./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Văn Trọng