• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 19/12/1959
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NGOẠI THƯƠNG
Số: 17-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 19 tháng 12 năm 1959

THÔNG TƯ

Quy định thể lệ xuất nhập khẩu hành lý của khách hàng xuất nhập cảnh.

________________________

Căn cứ vào Nghị định số 512-TTg ngày 16-4-1955 của Thủ tướng Chính phủ về điều lệ quản lý ngoại thương, Liên bộ Ngoại thương – Tài chính quy định trong thông tư này thể lệ xuất nhập khẩu đối với hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, nhằm đảm bảo chính sách quản lý ngoại thương và giải quyết thích đáng nhu cầu của hành khách.

I. THẾ NÀO LÀ HÀNH LÝ

Hành lý là đồ dùng của hành khách xuất nhập cảnh mang theo để dùng cho bản thân hoặc cho gia đình. Sinh hoạt, tập quán, công tác, mục đích việc qua lại biên giới, v.v… của hành khách khác nhau, nên đồ dùng mang theo cũng có nhiều loại nhiều thứ khác nhau. Song tính chất căn bản của hành lý vẫn là: hạn chế trong phạm vi sử dụng cho bản thân hay cho gia đình, không phân biệt cũ hay mới.

Hành lý có thể là đồ dùng mang theo người, có thể gửi riêng. Hành lý có thể tới trước khi hành khách nhập cảnh, hoặc tới sau. Dù trong trường hợp nào, toàn bộ hành lý mang theo người và gửi riêng (gửi trước hoặc gửi sau) vẫn là đồ dùng hạn chế trong phạm vi sử dụng cho bản thân hay cho gia đình.

Hành lý khác hàng hóa là không phải để bán vì vậy nguyên tắc là hành khách khi nhập cảnh mang theo đồ dùng gì, thì xuất cảnh, phải mang ra những thứ đó, hay ngược lại, hành khách khi xuất cảnh mang theo đồ dùng gì, thì khi trở về cũng phải mang về những thứ đã khai xuất, trừ những thực phẩm hoặc vật phẩm  tiêu dùng khác đã sử dụng trong khi đi đường và trong thời gian lưu trú.

II. THỂ LỆ XUẤT NHẬP KHẨU HÀNH LÝ

1. Hành lý xuất nhập được miễn giấy phép xuất nhập khẩu. Những đồ dùng quá phạm vi sử dụng cho bản thân hay cho gia đình cùng đi của hành khách xuất nhập cảnh, không được coi là hành lý và không được xuất, nhập nếu không có giấy phép của  Hải quan.

2. Hành lý xuất nhập phải theo đúng những điều kiện quy định trong các phụ kiện sau:

- Phụ kiện số 1 gồm các loại cấm xuất nhập dưới hình thức hành lý.

- Phụ kiện số 2 gồm các loại chỉ được phép xuất nhập dưới hình thức hành lý, theo điều kiện ấn định.

- Phụ kiện số 3 gồm các loại chỉ được xuất nhập với số lượng hạn chế, áp dụng cho hành khách xuất nhập cảnh nói chung.

3. Phụ kiện số 3 áp dụng cả cho cán bộ Việt-nam ra công tác ở nước ngoài và cho học sinh (kể cả thực tập sinh) du học ở nước ngoài trở về nước.

4. Điều kiện quy định trong phụ kiện số 3 không áp dụng đối với cán bộ nhân viên có công tác thường xuyên ra nước, vào nước, đối với nhân dân vùng biên giới Việt, Trung thường xuyên được phép qua lại trao đổi sinh hoạt. Đối với các phái đoàn ngoại giao và đối với các chuyên gia được mời đến công tác tại nước Việt nam dân chủ cộng hòa, sẽ có chế độ riêng. Đối với người hồi hương cũng có chế độ riêng.

5. Những vật dụng thuộc loại cấm xuất nhập (phụ kiện số 1) dù người hành khách đã kê khai trong tờ khai hành lý đều không được mang đi.

Người hành khách là chủ vật dụng đó, khi đi vào Việt-nam có quyền gửi trả lại ra  ngoài nước, hoặc gửi ở cơ quan Hải quan có biên nhận, và khi ra khỏi Việt- nam sẽ lấy lại. Hạn trong 6 tháng (hoặc 5 ngày, nếu là vật phẩm dễ bỏng) hành khách hay người thay mặt phải lấy ra. Quá hạn những vật dùng không được người hành khách hay người thay mặt đổi lại sẽ do Hải quan giải quyết lấy tiền sung vào công quỹ. Quy định này không áp dụng đối với vật dụng mang trốn tránh sự kiểm soát của Hải quan; nếu Hải quan phát hiện sẽ xử lý như hàng cấm đã xuất nhập trái phép. Đối với những vật dụng thuộc loại hàng cấm xuất nhập dù đã khai báo với Hải quan, nhưng nếu xét có hại đến chính trị, đạo  đức hay vệ sinh, Hải quan sẽ liên lạc với các cơ quan có liên quan để giải quyết.

6. Để thi hành đúng mức tiêu chuẩn của phụ kiện số 3, cần chú ý mấy điểm sau:

a) Phụ kiện số 3 quy định có tính chất chung. Hải quan ở cửa khẩu cần phải xét từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào tính chất của hành khách, mà áp dụng tiêu chuẩn cho thích hợp.

b) Hành khách xuất nhập cảnh mang theo hành lý (hoặc là gửi riêng) thuộc loại ghi ở phụ kiện số 3, mà quá số lượng quy định thì không được phép xuất nhập khẩu quá tiêu chuẩn. Trường hợp đặc biệt, nếu số lượng quá tiêu chuẩn ít, mà xét chắc chắn là có tính chất hành lý, Hải quan có thể cho phép mang theo, với điều kiện là trả thuế đầy đủ. Về việc xử lý đối với phần quá tiêu chuẩn nhiều, sẽ áp dụng quy định ở điểm 5, mục II này.

c) Hành khách xuất cảnh tạm lưu ở nước ngoài không quá 6 tháng, hoặc hành khách nhập cảnh tạm lưu ở nước Việt-Nam dân chủ cộng hòa không quá 6 tháng, thì khi trở về hoặc khi trở ra phải mang theo đầy đủ những vật dụng hành lý thuộc loại ghi ở phụ kiện số 3 đã khai báo khi xuất hay nhập cảnh. Nếu thiếu, Hải quan sẽ xử lý coi như là hàng buôn lậu, trừ trường hợp đặc biệt có lý do xác đáng, được Hải quan công nhận.

7. Những hành lý quá cảnh, nếu thuộc loại ghi ở phụ kiện số 3, mà không xuất trình đầy đủ nơi xuất cảnh như đã khai khi nhập cảnh, thì Hải quan sẽ xử lý coi như là hàng buôn lậu, trừ trường hợp đặc biệt có lý do xác đáng được Hải quan công nhận.

Những hành vi lợi dụng tiêu chuẩn hành lý để đầu cơ, buôn bán, sẽ coi như xuất nhập khẩu hàng trái phép và xử lý theo thể lệ hiện hành.

III. THỦ TỤC HẢI QUAN

Hành khách xuất nhập cảnh và hành lý mang theo (hoặc gửi riêng) phải qua những địa điểm có đặt cơ quan Hải quan.

Hành lý trong phạm vi tiêu chuẩn đã quy định và được Hải quan xác nhận được miễn mọi thứ thuế, song phải khai với Hải quan và chịu sự kiểm soát của Hải quan. Mẫu tờ khai hành lý do Sở Hải quan trung ương ấn định.

Sở Hải quan trung ương sẽ ấn định địa điểm khai báo hành lý xuất nhập cho từng địa phương và  thể thức chi tiết thi hành thông tư này.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trịnh Văn Bính

Phan Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.