• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/12/2008
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 43/2008/QĐ-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt chương trình sản xuất vải dệt thoi

phục vụ xuất khẩu đến năm 2015

________________

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại Tờ trình số 1116/TĐDM-KHĐT ngày 22 tháng 10 năm 2008 về việc phê duyệt Chương trình sản xuất vải dệt thoi phục vụ xuất khẩu đến năm 2015;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình sản xuất vải dệt thoi phục vụ xuất khẩu đến năm 2015 của ngành Dệt May Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Phát triển ngành Dệt May theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất lượng và số lượng sản phẩm. Tạo điều kiện cho ngành Dệt May Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững và hiệu quả;

b) Tập trung phát triển mạnh sản xuất nguyên phụ liệu, giảm nhập siêu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm trong ngành;

c) Khuyến khích, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ ngành Dệt May Việt Nam.

2. Mục tiêu

a) Tập trung phát triển sản xuất vải dệt thoi phục vụ xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và của khách hàng theo hướng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm;

b) Phấn đấu đến năm 2010 sản xuất 1,0 tỷ m2 vải dệt thoi, trong đó có 500 triệu m2 phục vụ xuất khẩu; Đến năm 2015 sản xuất 1,5 tỷ m2 vải dệt thoi, trong đó có 1,0 tỷ m2 phục vụ xuất khẩu. Cụ thể như sau:

Chỉ tiêu

Đơn vị

Thực hiện 2007

Mục tiêu đến

Ngành

Vinatex

 

 

Ngành

Vinatex

2010

2015

2010

2015

Nhu cầu vải dệt thoi

Triệu m2

1.860

-

3.500

4.600

-

-

Sản xuất vải dệt thoi

Triệu m2

610,7

170

1.000

1.500

300

450

Vải phục vụ xuất khẩu

Triệu m2

155

18

500

1.000

220

300

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Tập trung phát triển sản xuất một số mặt hàng chủ lực, thông dụng có nhu cầu số lượng lớn ở các doanh nghiệp may xuất khẩu như: Vải bông, bông pha để may quần áo, vải dùng trong gia đình …

2. Xây dựng một số trung tâm dệt nhuộm đủ lớn về quy mô, nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

a) Các trung tâm dệt nhuộm được bố trí tại các khu công nghiệp thuận lợi cho cung cấp điện, cấp nước và xử lý nước thải;

b) Đầu tư các trung tâm nhuộm, hoàn tất gắn liền với công tác chuẩn bị thị trường, nguồn nhân lực quản lý và vận hành thiết bị, chuyển giao công nghệ, xử lý môi trường. Chú trọng phát triển các nhà máy dệt nhằm cung cấp vải mộc đảm bảo chất lượng cho xử lý nhuộm và hoàn tất.

3. Đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm gắn với hợp tác quốc tế nhằm tiếp cận nguồn vốn, thị trường, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các nước có ngành dệt phát triển và có xu hướng chuyển dịch như Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản …

4. Đa dạng hóa sở hữu, tổ chức các nhà máy nhuộm hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, hợp tác sản xuất, liên doanh liên kết trong đó Vinatex giữ vai trò nòng cốt.

III. CÁC CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Các chính sách và giải pháp về đầu tư

a) Xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tập trung

- Đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tập trung, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cung cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, đảm bảo các yêu cầu về môi trường và nguồn lao động có khả năng đào tạo để thu hút đầu tư vào ngành dệt nhuộm;

- Tập đoàn Dệt May Việt Nam hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ổn định việc cung cấp điện, cấp nước và xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia cho các khu công nghiệp hiện có gồm: Hòa Xá – Nam Định, Hòa Khánh – Đà Nẵng và Phố Nối B – Hưng Yên;

- Tập đoàn Dệt may Việt Nam là hạt nhân xây dựng hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tập trung mới, đảm bảo các điều kiện cung cấp điện, cấp nước và xử lý nước thải để tiếp nhận đầu tư trong nước và nước ngoài, phục vụ mục tiêu phát triển Chương trình đến năm 2015. Tập đoàn Dệt May Việt Nam thành lập các công ty cổ phần đầu tư các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tập trung, trong đó Tập đoàn Dệt May Việt Nam chiếm cổ phần chi phối, phần còn lại mời các đối tác trong và ngoài nước tham gia. Giai đoạn 2008 – 2012: đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tại Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An. Giai đoạn 2012 – 2015: đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tiền Giang, Trà Vinh;

b) Tập đoàn Dệt May Việt Nam làm hạt nhân liên kết triển khai 05 dự án dệt nhuộm trọng điểm giai đoạn 2007 – 2012

- Dự án nhà máy nhuộm Teachang – Vina tại Yên Mỹ (liên doanh của Vinatex với Công ty Thiên Nam và Teachang Hàn Quốc) có năng lực nhuộm sau đầu tư đạt 42 triệu m2/năm và đạt 63 triệu m2/năm vào năm 2009;

- Dự án liên doanh của Vinatex với Công ty Thiên Nam và Teachang (Hàn Quốc) sản xuất vải Denim tại Hòa Xá (Nam Định) có năng lực nhuộm sau đầu tư đạt 45 triệu m2/năm;

- Dự án di dời và nâng cấp nhà máy nhuộm Công ty cổ phần Dệt Nam Định sản xuất vải áo và vải quần từ vải bông và bông pha có năng lực 42 triệu m2/năm vào năm 2010;

- Dự án liên doanh với Tập đoàn ITG (Hoa Kỳ) sản xuất vải quần tại Sơn Trà có năng lực dệt nhuộm sau đầu tư đạt 38 triệu m2/năm và đạt 76 triệu m2/năm vào năm 2010;

- Dự án nhà máy nhuộm Bình An trên cơ sở nâng cấp nhà máy nhuộm Việt Thắng và hợp tác với Tập đoàn Tencate (Hà Lan) có năng lực nhuộm sau đầu tư đạt công suất 37,5 triệu m2/năm và đạt công suất 45 triệu m2/năm vào năm 2010.

c) Tập đoàn Dệt May Việt Nam làm hạt nhân triển khai các dự án hỗ trợ cho sản xuất vải dệt thoi.

- Dự án thành lập Trường Đại học Dệt May và Thời trang tại Thuận Thành – Bắc Ninh theo hình thức liên doanh hoặc cổ phần;

- Dự án đầu tư phòng thí nghiệm sinh thái dệt may và trung tâm thiết kế vải từ nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước;

- Dự án xây dựng 02 Trung tâm nguyên phụ liệu tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

d) Tập đoàn Dệt May Việt Nam xây dựng các dự án dệt nhuộm mới để kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn trong nước và nước ngoài giai đoạn từ nay đến năm 2015.

2. Các chính sách và giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

a) Thông qua Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt May Việt Nam, tập trung ưu tiên đào tạo cán bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật, cán bộ bán hàng chuyên ngành dệt may, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề cho các dự án dệt nhuộm trọng điểm;

b) Liên kết với nước ngoài đào tạo các nhà thiết kế mẫu, thời trang vải.

3. Các chính sách và giải pháp về khoa học công nghệ

a) Tổ chức lại hệ thống Viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có đủ năng lực tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp dệt nhuộm nghiên cứu triển khai tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam;

b) Nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất nguyên liệu mới, các sản phẩm dệt có tính năng khác biệt, các công nghệ sản xuất sạch hơn trong ngành dệt may, các công nghệ tiết kiệm năng lượng, áp dụng các phần mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm dệt may;

c) Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn sản phẩm dệt may phù hợp và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Hỗ trợ nâng cấp các trung tâm giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm dệt may để hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may trong quản lý chất lượng và khắc phục các rào cản kỹ thuật;

d) Xây dựng phòng thí nghiệm sinh thái dệt may và trung tâm phát triển các mặt hàng vải trong giai đoạn 2008 – 2010. Vốn đầu tư 48,0 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước;

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành dệt may, nâng cao chất lượng của trang thông tin điện tử.

4. Các chính sách và giải pháp về thị trường

a) Hiệp hội Dệt may Việt Nam là đầu mối phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương tổ chức chương trình kêu gọi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp từ các nước có truyền thống dệt nhuộm đầu tư vào Việt Nam. Tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các thị trường trong và ngoài nước.

b) Các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp với người tiêu dùng trong nước và bạn hàng quốc tế;

c) Tăng cường công tác tư vấn pháp luật thương mại quốc tế, đồng thời chuẩn bị kỹ việc chống các rào cản mới của các nước nhập khẩu;

d) Tăng cường quan hệ hợp tác với các nhà nhập khẩu lớn nước ngoài;

đ) Xây dựng các Trung tâm nguyên phụ liệu, trung tâm mua bán vải cho các doanh nghiệp may trong và ngoài nước.

5. Các chính sách và giải pháp về tài chính

a) Huy động mọi nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài thông qua các hình thức hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết, cổ phần hóa doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Khuyến khích các doanh nghiệp thu hút vốn thông qua thị trường chứng khoán, vay thương mại với các điều kiện có hoặc không có bảo lãnh của Chính phủ;

b) Xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, kế hoạch xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, báo cáo nhà nước để được hỗ trợ từ ngân sách theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Nhu cầu vốn đầu tư

Nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2008 – 2015 là 2.570,8 triệu USD. Trong đó:

a) Vốn cho các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tập trung và các dự án sợi dệt nhuộm là 2.464 triệu USD;

b) Vốn cho dự án nhà máy sản xuất xơ PES là 56,5 triệu USD;

c) Vốn cho các chương trình hỗ trợ khác là 50,3 triệu USD.

Cụ thể như sau:

Danh mục dự án

Đơn vị tính

Đầu tư đến 2015

Suất đ.tư (106USD)

Vốn đầu tư (106USD)

Khu, cụm CN dệt nhuộm

Khu, cụm

7

352

2.464,0

Nhà máy sản xuất xơ PES

Tấn/ngày

120

0,47

56,5

Các chương trình hỗ trợ khác

 

 

 

50,3

Trường Đại học Dệt may

Trường

1

12,5

12.5

Trung tâm mẫu và PTN sinh thái

Trung tâm

1

6,0

6,0

Trung tâm nguyên phụ liệu

Trung tâm

2

9,0

18,0

Đào tạo

 

 

 

6,2

Nghiên cứu triển khai

 

 

 

3,6

Xúc tiến thương mại

 

 

 

4,0

Tổng cộng

 

 

 

2.570,8

Việc huy động vốn để thực hiện Chương trình có tính chất quyết định tới việc đạt mục tiêu phát triển của ngành Dệt May Việt Nam. Nguồn vốn chủ yếu là từ các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn vay từ các quỹ đầu tư, vốn ODA, vốn từ tiền chuyển quyền sử dụng đất khi di dời các nhà máy và một phần vốn từ thị trường chứng khoán khi các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

2. Cơ cấu vốn đầu tư:

a) Vốn tự huy động của Vinatex và các đối tác khác: 20% - 30%.

b) Vốn vay từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác: 70% - 80%.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Công nghiệp nhẹ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương chỉ đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam triển khai thực hiện chương trình này.

2. Tập đoàn Dệt May Việt Nam làm nòng cốt phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam:

a) Phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm có đủ điều kiện hạ tầng cung cấp điện, nước và xử lý nước thải, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các dự án dệt nhuộm và báo cáo Bộ Công Thương để thỏa thuận, quyết định về địa điểm;

b) Trực tiếp triển khai một số dự án dệt nhuộm trọng điểm để thực hiện Chương trình sản xuất vải dệt thoi phục vụ xuất khẩu đến năm 2015;

c) Triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt May và Chương trình xây dựng hình ảnh ngành Dệt May Việt Nam.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ; Vụ trưởng các Vụ: Công nghiệp nhẹ, Kế hoạch, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xuất Nhập khẩu; Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Hiệp hội Dệt May Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Xuân Khu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.