• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 28/01/2021
HĐND TỈNH ĐẮK NÔNG
Số: 01/2007/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Nông, ngày 25 tháng 7 năm 2007
NGHỊ QUYẾT
Về việc thông qua Đề án “Phát triển giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020”

_______________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

KHÓA I - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg, ngày 10/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg, ngày 10/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND ngày 03/8/2006 của HĐND tỉnh về việc thông qua đề án “Quy định cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục công lập, giao thông, thủy lợi và lưới điện áp nông thôn giai đoạn 2006 - 2010”;

Theo đề nghị của UBND tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 1296/TTr-UBND, ngày 20 tháng 6 năm 2007 về việc thông qua Đề án “Phát triển giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra số 20/BC-KTNS, ngày 12 tháng 7 năm 2007 của Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu tham dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án “Phát triển giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020” (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo HĐND tỉnh về kết quả thực hiện.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. 

 Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông khóa I, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2007./.

 

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

K’BEO

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH ĐĂK NÔNG GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐND ngày 25/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông)

____________________________

Tỉnh Đăk Nông được thành lập từ tháng 01/2004, có vị trí nằm ở phía Tây Nam của khu vực cao nguyên Nam Trung bộ, phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp với Vương quốc Campuchia.

Đăk Nông có tổng diện tích 651.438 ha, dân số trên 430 ngàn người, gồm 29 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có hơn 34% dân tộc đồng bào thiểu số, có 7 huyện, 1 thị xã, 66 xã, phường, thị trấn, 623 thôn, buôn, bon và tổ dân phố. Điều kiện địa hình rất phức tạp, chủ yếu là đất dốc và đồi núi. Thời tiết phân chia thành hai mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, với lượng mưa tương đối lớn, trung bình đạt 1900 mm/năm.

Kinh tế Đăk Nông có xuất phát điểm thấp, lạc hậu, mang nặng tính thuần nông, GDP bình quân đầu người thấp hơn so với bình quân chung của cả nước, mặt bằng dân trí thấp. Nhưng Đăk Nông là một tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh: diện tích đất đai còn rộng, màu mỡ thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp; có nguồn tài nguyên rừng phong phú, tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn phục vụ phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng bô xit, luyện Alumin, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp thủy điện, công nghiệp chế biến nông lâm sản, tạo sự bứt phá cho tăng trưởng cao và chuyển dịch nhanh nền kinh tế; có vị trí địa lý thuận lợi, có hệ thống giao thông thông suốt đến các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải Miền Trung, đến Thành phố Hồ Chí Minh và các khu kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, có 130 km đường biên giới với hai cửa khẩu thông thương sang nước bạn Campuchia.

Để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, từng bước đưa nền kinh tế của tỉnh Đăk Nông đạt mức bình quân chung của cả nước, xây dựng tỉnh Đăk Nông thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Nông nhiệm kỳ 2006 - 2010 đã đề ra phương hướng, mục tiêu để phát triển các ngành, các lĩnh vực, trong đó giao thông vận tải đến 2010 đạt được các chỉ tiêu là: Nhựa hóa 100% đường tỉnh lộ, 60% đường huyện và 50% các buôn, bon có từ 1 - 2 km đường nhựa.

Trong thời gian vừa qua cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, mục tiêu đề ra đối với giao thông vận tải giai đoạn 2006 - 2010 là hết sức nặng nề, nhiệm vụ còn phải thực hiện trong 4 năm 2007 - 2010 là rất lớn. Để thực hiện mục tiêu đó, chương trình hành động cụ thể trên lĩnh vực phát triển giao thông giai đoạn 2007 - 2010 như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

NHỮNG NĂM QUA

Tỉnh Đăk Nông mới có duy nhất một phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không chưa được xây dựng, đường sông không đáng kể. Toàn tỉnh có 3.412 km đường bộ, trong đó có 788 km đường nhựa (chiếm 23%), còn lại 2.624 km là đường đất, đường cấp phối (chiếm 77%).

I. Thực trạng tình hình giao thông vận tải:

Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông bao gồm, hệ thống đường bộ, hệ thống bến bãi và dịch vụ vận tải:

I.1. Hiện trạng hệ thống đường bộ:

Bao gồm hệ thống đường quốc lộ, do Trung ương quản lý và hệ thống đường giao thông địa phương, do địa phương quản lý.

1. Hệ thống quốc lộ :

Có 03 tuyến, với tổng chiều dài 310 km, trong đó có 216 km đường nhựa (chiếm 70%), còn lại là đường đất, đường cấp phối, gồm:

- Quốc lộ 14: Nối từ cầu 14, sông Sêrêpốk (km 773) đến Cai Chanh (km 887), dài 154 km, đường cấp III, mặt bê tông nhựa rộng 6m.

- Quốc lộ 28: Nối từ sông Đồng Nai (km 121) đến Hồ Vịt (km 179), dài 58 km. Xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường láng nhựa rộng 5,5m. Riêng 17 km đoạn nằm trong phạm vi ngập của lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (km 121 - km 138 ), mặt cấp phối rộng 5m.

- Quốc lộ 14C: Đường chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, có tổng chiều dài 98 km, trong đó có 21 km đường nhựa, còn lại là đường cấp phối, đường đất.

2. Hệ thống đường giao thông địa phương:

Bao gồm hệ thống tỉnh lộ, đường thị trấn, đường huyện, xã, thôn, buôn bon, đường chuyên dùng và hệ thống đường biên giới.

2.1. Hệ thống tỉnh lộ:

            Toàn tỉnh có 6 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 318 km, trong đó có 140 km đường nhựa, chiếm 44%, còn lại là đường cấp phối sỏi đồi, đường đất. Bao gồm:

- Tỉnh lộ 1 (ĐT681): Dài 36 km, nối từ thị trấn Kiến Đức đến đường biên giới Quốc lộ 14C (xã Đăk Buk So). Xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp V, mặt đường láng nhựa.

- Tỉnh lộ 2 (ĐT682): Dài 24 km, nối từ thị trấn Đăk Song, qua Rừng Lạnh đến ngã ba Đức Mạnh. Xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp V, mặt đường láng nhựa.

- Tỉnh lộ 3 (ĐT683): Dài 40 km, nối từ thị trấn Đăk Mil, qua xã Đăk Săk đến thị trấn Đăk Mâm (huyện Krông Nô). Hiện tại trên tuyến có 10 km đường láng nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp V, còn lại 30 km là đường đất.

- Tỉnh lộ 4 (ĐT684): Dài 111 km, nối từ thị xã Gia Nghĩa, qua thị trấn Đăk Mâm và kết thúc tại thị trấn EaTling. Trong đó có 30 km đường nhựa, chủ yếu là cấp V còn lại là đường đất.

- Tỉnh lộ 5 (ĐT685): Dài 45 km, nối từ thị trấn Kiến Đức, qua xã Đạo Nghĩa đến Cai Chanh. Trong đó có 23 km đường nhựa cấp V, còn lại là đường đất, đường cấp phối.

- Tỉnh lộ 6 (ĐT686): Dài 62 km, nối từ Đăk Buk So, qua xã Đăk Rung đến Quảng Sơn. Trong đó có 17 km đường rải nhựa cấp V, còn lại là đường đất, đường tạm.

2.2. Hệ thống huyện lộ:

Tổng chiều dài các tuyến đường huyện là 501 km, trong đó đã nhựa hóa được 186 km, đạt 37%, còn lại là đường đất, đường tạm, chất lượng xấu, phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

2.3. Hệ thống đường xã, thôn, buôn, bon:

Toàn tỉnh có 2.160 km đường xã, thôn, buôn, bon trong đó có 168 km đường nhựa, chiếm 7,7%. Hệ thống đường này phần lớn là đường đất có chất lượng xấu hoặc rất xấu do không được cải tạo, sửa chữa; công trình thoát nước thiếu, do đó việc đi lại và vận chuyển hàng hóa rất khó khăn.

Tuy đã có đường ôtô đến trung tâm các xã trong tỉnh, nhưng còn 17 xã đường còn rất xấu nên việc đi lại trong mùa mưa gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Có 40 buôn, bon/145 buôn, bon có từ 1 - 2 km đường nhựa chiếm 27,5%.

2.4. Hệ thống đường đô thị:

Toàn tỉnh có 123 km đường đô thị, trong đó có 77 km đường nhựa, đạt 63%. Các tuyến đường nhựa cũng mới chỉ được xây dựng tạm, chưa đạt tiêu chuẩn cấp đường đô thị.

I.2. Hiện trạng hệ thống bến bãi và dịch vụ vận tải:

1. Cơ sở bến bãi và phương tiện vận tải:

Toàn tỉnh hiện có 07 hợp tác xã vận tải, 02 doanh nghiệp vận tải và 06 bến xe khách trên địa bàn các huyện và thị xã Gia Nghĩa. Có 1.359 ôtô vận tải các loại, trong đó có 144 xe ôtô khách và 107 xe ôtô tải đăng ký kinh doanh vận tải.

Mở được 19 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, 02 tuyến liên tỉnh liền kề, 02 tuyến nội tỉnh.

Mở 02 tuyến xe buýt từ Đăk Mil đi Buôn Ma Thuột và từ Krông Nô đi Buôn Ma Thuột.

I.3. Công tác sửa chữa, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ:

Trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh mới chú trọng đến công tác đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp. Công tác sửa chữa, bảo trì đường đang trong tình trạng chưa được quan tâm, nhận thức của cộng đồng về vai trò của công tác bảo dưỡng còn rất hạn chế. Các cấp quản lý cũng chưa có sự quan tâm đúng mức cho công tác sửa chữa, bảo trì, ngoại trừ các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.

Đối với các tuyến quốc lộ: Do Trung ương quản lý và phân bổ vốn bảo trì hàng năm.

Đối với các tuyến tỉnh lộ: Được UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp cho sửa chữa, quản lý hàng năm và giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hàng năm cho công tác này vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết. 

Đối với hệ thống đường huyện: Hàng năm, tỉnh đều phân cấp vốn sự nghiệp cho các huyện, nhưng do không có lực lượng làm công tác sửa chữa, quản lý nên các huyện thường làm việc khác, ít chú trọng đến công tác này.

Tại các xã công việc sửa chữa, bảo dưỡng hầu như không có hoặc có thì cũng do người dân tự làm (hình thức tự phát).

I.4. Công tác tổ chức quản lý đường giao thông:

Cấp tỉnh: Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các tuyến tỉnh lộ, và các tuyến quốc lộ do Trung ương ủy thác. Công ty Quản lý sửa chữa xây dựng cầu đường bộ Đăk Nông thực hiện công tác sửa chữa, bảo trì hệ thống đường này.

Cấp huyện: Hiện tại các huyện đều có một phòng phụ trách nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có biên chế cán bộ theo dõi về giao thông, chưa có lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ. 

Cấp xã: Có một cán bộ theo dõi chung về giao thông, địa chính, xây dựng. Phần lớn cán bộ xã chưa qua đào tạo chuyên môn, do vậy trình độ về nghiệp vụ còn thấp và còn thường bị thay đổi.

I.5. Tình hình đầu tư xây dựng phát triển giao thông vận tải trong thời gian 2004 - 2006:

1. Công tác quy hoạch và quản lý giao thông theo quy hoạch:

Đã hoàn thành quy hoạch phát triển giao thông vận tải chung của tỉnh giai đoạn 2005 - 2020. Đang triển khai lập quy hoạch phát triển giao thông vận tải của các huyện và thị xã Gia Nghĩa.

Căn cứ quy hoạch đã được duyệt, UBND tỉnh đã ra quyết định công bố chỉ giới đường đỏ của các tuyến đường tỉnh lộ. Sở Giao thông Vận tải đang chỉ đạo cắm mốc lộ giới trên các tuyến đường tỉnh để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

2. Công tác xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông:

2.1. Đối với hệ thống đường tỉnh:

Tổng số vốn thực hiện trong 03 năm khoảng 29 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục sau:

UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường TL3, TL4, TL6 và đường biên giới đồn 9 đi cửa khẩu Bu Prăng, đang xem xét phê duyệt dự án đường TL5. Trong đó tuyến TL3 đang triển khai lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán, TL4 đang thẩm định hồ sơ thết kế kỹ thuật thi công - dự toán, dự kiến khởi công xây dựng vào cuối năm 2007. Đường TL6 triển khai thi công gói thầu số 3, các gói thầu còn lại đang tiếp tục trình duyệt thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán và thực hiện các bước tiếp theo.

Đã xây dựng hoàn thành 24 km mặt đường nhựa tỉnh lộ 2, xây dựng 11,5 km mặt đường nhựa tỉnh lộ 5 (nguồn vốn WB2). Nâng tỷ lệ nhựa hóa tỉnh lộ từ 34% lên 44%.

2.2. Đối với hệ thống đường giao thông huyện, xã, thôn, buôn và đường đô thị:

Tổng số vốn thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường huyện, xã, thôn, buôn và thị trấn trong 3 năm là 156,8 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu). Bao gồm các hạng mục sau:

Cải tạo nâng cấp, rải mặt cấp phối đồi 133 km.

Cải tạo nâng cấp, rải mặt nhựa 289 km. Nâng tỷ lệ nhựa hóa đường huyện, xã, thị trấn lên 14 %.

Cải tạo, nâng cấp rải mặt nhựa cho 20 buôn, bon. Nâng tỷ lệ các buôn, bon có từ 1 - 2 km đường nhựa lên 17,2 % .

Xây dựng 170 m/11 cầu bê tông cốt thép.

Triển khai đầu tư xây dựng một số trục đường trong thị xã Gia Nghĩa: Đường QL14 và QL28 qua thị xã Gia Nghĩa, đường Bắc - Nam (giai đoạn I), các trục đường nội khu hành chính tỉnh, đường nối khu trung tâm hành chính tỉnh với khu trung tâm thị xã và một số các trục đường trong các khu tái định cư.

2.3. Hệ thống bến bãi đậu xe:

Xây dựng hoàn thành bến xe khách huyện Krông Nô, Đăk R’Lấp, Cư Jút đạt tiêu chuẩn bến xe cấp V.

Đang triển khai lập thủ tục đầu tư xây dựng bến xe khách của tỉnh tại thị xã Gia Nghĩa và trạm dừng nghỉ xe khách tại Cai Chanh (QL14).

II. Đánh giá chung về thực trạng tình hình giao thông vận tải:

1. Về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải:

Mật độ đường bình quân của tỉnh là 0,45 km/km2 thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 0,65 km/km2, nhưng cao hơn mật độ bình quân của khu vực Tây Nguyên là 0,38 km/km2; mật độ bình quân km/1000 người của Đăk Nông là 8,36 cao hơn bình quân của cả nước là 2,69 và  của  khu vực  là  4,66. Cho thấy hệ thống giao thông đường bộ của Đăk Nông là không nhỏ, song lại phân bố chưa đều, chất lượng kỹ thuật thấp.

Kết cấu mặt đường chủ yếu là đường đất, chiếm 78%, mặt đường nhựa chỉ chiếm 22%. Chất lượng của các tuyến đường phần lớn là rất xấu.

Các công trình thoát nước trên tuyến hầu như chưa có gì, hoặc chỉ mới được xây dựng tạm, không bền vững.

Đường thôn xóm, bon, buôn là các tuyến đường nhỏ và đường mòn phục vụ người đi bộ và các loại xe có tốc độ thấp. Hệ thống đường này có chất lượng rất xấu do không được cải tạo, sửa chữa.

Hệ thống an toàn giao thông chưa đầy đủ, hành lang đường bộ chưa được quản lý tốt, còn xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ.

Nhìn chung, mạng lưới đường của tỉnh Đăk Nông còn đang trong tình trạng lạc hậu và yếu kém, đặc biệt là hệ thống đường nối từ các khu dân cư, các khu vực sản xuất đến các trung tâm tiêu thụ sản phẩm còn rất khó khăn đã làm hạn chế khả năng tiếp cận của cộng đồng dân cư với các trung tâm cung cấp dịch vụ thiết yếu như hành chính, giáo dục, y tế, văn hóa …

2. Về bến bãi, phương tiện và vận tải:

Hệ thống bến bãi còn thiếu và yếu. Huyện Đăk Song và huyện Tuy Đức chưa xây dựng được bến xe.

Dịch vụ vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu. Do hệ thống đường huyện, xã còn yếu kém nên chủ yếu mới chỉ thiết lập được các tuyến vận tải từ trung tâm huyện đến trung tâm tỉnh và ra ngoại tỉnh. Vận chuyển hành khách, hàng hóa trong nội vùng và đến trung tâm huyện chủ yếu bằng phương tiện có trọng tải thấp mất rất nhiều thời gian dẫn đến chi phí vận tải cao.

3.Về công tác quản lý, bảo trì đường giao thông:

Cấp quản lý ở các huyện, xã chưa thấy rõ được tầm quan trọng của công tác sửa chữa, bảo trì, thường chỉ chú trọng vào công tác nâng cấp, cải tạo. Do vậy thường không xây dựng kế hoạch bảo trì cho các tuyến đường giao thông nông thôn.

Nhận thức của người dân về công tác sửa chữa, quản lý, bảo dưỡng rất hạn chế, ý thức bảo vệ đường của người dân không cao.

Ngân sách dành cho công tác sửa chữa bảo dưỡng rất hạn chế so với nhu cầu, nguồn tài chính để thực hiện sửa chữa bảo dưỡng đường giao thông nông thôn chưa được phân định rõ ràng.

Huy động vốn cho việc bảo trì đường nông thôn rất khó khăn, đặc biệt là cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Các huyện chưa có lực lượng duy tu, bảo trì đường. Do vậy công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống đường giao thông huyện, xã thường không thực hiện.

4. Về tổ chức quản lý đường giao thông:

Năng lực của cán bộ quản lý giao thông về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu: Đối với cán bộ quản lý giao thông cấp tỉnh hầu hết đã được đào tạo, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ theo dõi giao thông cấp huyện và xã còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, do đó công tác quản lý, điều tra, giám sát, thu thập dữ liệu về giao thông thường không thực hiện được.

Hệ thống thông tin tư liệu thiếu, chưa có chế độ báo cáo thống kê thường xuyên từ cơ sở tới các cấp quản lý.

5. Về công tác đầu tư xây dựng phát triển giao thông vận tải:

Nhìn chung, công tác đầu tư xây dựng phát triển giao thông vận tải trong 3 năm vừa qua là thấp (tổng số vốn thực hiện đầu tư trong 3 năm là 186 tỷ đồng, bình quân 62 tỷ đồng/1 năm) chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, làm hạn chế tới tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Số lượng các dự án giao thông được quyết định đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh còn ít, nguồn thu ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên vốn đầu tư cho xây dựng giao thông còn rất hạn chế.

Tốc độ nhựa hóa chậm: Đường tỉnh lộ nhựa hóa bình quân một năm chỉ đạt được 3,6%.

Quá trình triển khai thi công các dự án còn nhiều vướng mắc, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ thi công chậm.

Tiến độ xây dựng bến bãi đậu xe chậm, trong 3 năm mới xây dựng được 03 bến xe cấp V (bến Krông Nô, Đăk R’Lấp). Lực lượng vận tải chậm phát triển, chất lượng dịch vụ vận tải thấp, đã ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Những tồn tại yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là:

Nguyên nhân khách quan: Trước khi thành lập tỉnh, đường giao thông khu vực Đăk Nông chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; sau khi thành lập tỉnh, do nguồn thu ngân sách hạn hẹp, thu nhập của người dân còn thấp, nên kinh phí cho đầu tư xây dựng giao thông chưa cao, đóng góp của nhân dân để phát triển giao thông hầu như không đáng kể.

Nguyên nhân chủ quan: Thời gian qua, chính quyền các cấp chưa xác định đúng mức vai trò, vị trí của hệ thống giao thông vận tải trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế cũng như trong khu vực. Do đó, chưa thật sự đặt nhiệm vụ phát triển giao thông vận tải lên hàng đầu, chưa tập trung nguồn lực và phân bổ vốn đầu tư hàng năm chưa đúng mức; chưa có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa công tác giao thông vận tải; công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch và triển khai quy hoạch chưa được tốt.

Phần II

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. Các căn cứ xây dựng đề án:

Căn cứ Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg, ngày 10/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết 28/2006/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông về việc thông qua kế hoạch phát trển kinh tế xã hội tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ chiến lược phát triển giao thông vận tải Quốc gia đến năm 2020.

II. Phương hướng và mục tiêu phát triển:

1. Phương hướng phát triển:

Giao thông vận tải là huyết mạch vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phát triển giao thông vận tải phải toàn diện cả về đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy nội địa; quy hoạch bến bãi, nhà ga phải đáp ứng yêu cầu là đầu mối trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và ba nước Đông Dương; là nhân tố quan trọng để thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo, xúc tiến công cuộc cải cách, phát triển kinh tế, góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tăng khả năng tiếp cận của cộng đồng dân cư tới trường học, bệnh viện và tới các mạng lưới hỗ trợ xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập của khu vực nông thôn vào nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Duy trì, củng cố mạng lưới giao thông đường bộ hiện có, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới một số tuyến đường quan trọng qua các khu kinh tế trọng điểm, qua khu đông dân cư; xây dựng, phát triển giao thông đường sắt, đường hàng không gắn với phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xây dựng các bến bãi đậu xe, phát triển phương tiện vận tải, đảm bảo giá thành vận tải phù hợp với mức sống của đa số dân cư.

Huy động mọi nguồn lực cho giao thông vận tải, chú trọng nguồn lực địa phương dưới mọi hình thức và mọi thành phần kinh tế, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giao thông xã, thôn, buôn.

2. Mục tiêu phát triển:

Phát triển giao thông vận tải phải đảm bảo theo quy hoạch, theo hướng hiện đại, lâu dài, đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như phục vụ phát triển trong tương lai.

2.1. Mục tiêu phát triển giai đoạn 2007 - 2010:

Ưu tiên đầu tư giao thông đường bộ, ưu tiên phát triển giao thông vận tải trong đô thị Gia Nghĩa và thị trấn các huyện. Đảm bảo đến năm 2010, các tuyến đường quan trọng, các trục đường chính đô thị được rải nhựa; xây dựng mở mới một số tuyến đường tỉnh lộ qua các khu kinh tế trọng điểm, qua các khu đông dân cư chưa có đường giao thông; các tuyến đường huyện được nâng cấp; các tuyến đường đến trung tâm xã đi lại thuận tiện trong cả mùa khô và mùa mưa. Cụ thể như sau:

Đến 2010 rải nhựa đạt 100% các tuyến đường tỉnh lộ hiện có; nâng cấp, rải nhựa đạt 60% các tuyến đường huyện lộ, còn lại được rải cấp phối sỏi đồi; nâng cấp, rải nhựa xong các trục đường chính trong thị trấn, thị xã.

Đến năm 2010, thực hiện quản lý, bảo trì, giữ vững hệ thống đường xã, thôn hiện có và rải nhựa đường nội buôn, bon. Đảm bảo 50% số buôn, bon có từ 1 - 2 km đường nhựa.

Từng bước cải thiện tổ chức vận tải, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân được thuận lợi, dễ dàng hơn.

2.2. Định hướng phát triển giao thông vận tải đến năm 2020:

Đối với hệ thống đường bộ:

Đối với hệ thống quốc lộ: Xây dựng, nâng cấp QL14 (đường Hố Chí Minh) theo quy mô đường cấp 80 - 100, 6 làn xe; xây dựng hoàn chỉnh QL14C theo tiêu chuẩn đường cấp IV.

Đối với hệ thống tỉnh lộ: Nâng cấp các tuyến TL1, TL2, TL3, TL5, TL6 lên thành đường cấp IV, TL4 lên thành đường cấp III; xây dựng mở mới 05 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 305 km.

Đối với hệ thống huyện lộ: Nâng cấp một số tuyến đường lên thành huyện lộ, và đảm bảo đến năm 2020, có 80% đường huyện được nhựa hóa, còn lại được rải cấp phối.

Hệ thống đường xã, thôn, buôn: Nhựa hóa một số trục đường chính, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, đảm bảo sau năm 2020 có 420 km đường xã (đạt 60%) được rải nhựa, 100% các bon buôn có từ 1 - 2 km đường nhựa.

Hệ thống đường đô thị: Xây dựng, nhựa hóa toàn bộ các trục đường trong đô thị theo đúng tiêu chuẩn cấp đường đô thị.

Đối với đường hàng không: Khôi phục và xây dựng sân bay Nhân Cơ.

Đối với đường sắt: Phục vụ ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và đi lại của nhân dân, xây dựng tuyến đường sắt nối từ thị xã Gia Nghĩa đến các cảng biển và khu vực kinh tế trọng điểm.

Đối với đường thuỷ nội địa: Xây dựng và phát triển đường thủy nội địa với cự ly gần, phục vụ đi lại và khai thác du lịch.

III. Nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2007 - 2010:

Tập trung đầu tư hệ thống đường huyện, xã, thôn, buôn bon và các trục đường chính trong đô thị Gia Nghĩa; cải tạo, nâng cấp, nhựa hóa hệ thống đường tỉnh lộ; xây dựng hệ thống bến bãi đậu xe, phát triển phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển trong giai đoạn trước mắt cũng như về lâu dài. Cụ thể như sau:

III.1. Xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải:

1. Đối với hệ thống quốc lộ:

Quốc lộ 14: Nâng cấp, mở rộng các đoạn qua thị xã Gia Nghĩa, qua thị trấn Đăk Mil và Kiến Đức theo tiêu chuẩn cấp đường đô thị.

Quốc lộ 14C: Tổng chiều dài 98 km. Giai đoạn 2007 - 2010, đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp IV, nền đường rộng 7,5 m, mặt đường cấp phối sỏi đồi, riêng đoạn qua thị trấn huyện Tuy Đức đầu tư mở rộng theo tiêu chuẩn đường đô thị, mặt rải nhựa. Hướng tuyến mới như sau: đoạn từ Đồn 1 - Đăk Mil, tuyến đi trùng với quốc lộ 14C hiện tại, đoạn từ Đăk Song - cửa khẩu Bu Prăng có 08 km (từ km150 - km158 ) trùng với hướng tuyến hiện tại, còn lại được cải tuyến, lùi sâu vào trong biên giới từ 5 - 15 km.

Quốc lộ 28: Xây dựng hoàn thành 20 km đoạn tránh ngập lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, 4; mở rộng các đoạn qua thị xã Gia Nghĩa và qua thị trấn Quảng Khê.

2. Đối với hệ thống đường tỉnh:

Cải tạo, nâng cấp, rải nhựa trên những tuyến đường, đoạn đường hiện tại chưa được xây dựng, đảm bảo sau năm 2010 tất cả các tuyến tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, V mặt rải nhựa; xây dựng, mở mới (nền đường và hệ thống thóat nước) một số tuyến tỉnh lộ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và đi lại của nhân dân. Tổng chiều dài các tuyến đường cần phải nâng cấp, cải tạo rải nhựa là 178 km, cụ thể:

Tỉnh lộ 3 (ĐT683): Hiện nay có 30 km là đường đất và đang lập hồ sơ thiết kế KTTC-DT nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp IV. Dự kiến thi công xây dựng hoàn thành trong 3 năm 2007 - 2009.

Tỉnh lộ 4 (ĐT684): Còn 81 km đường đất (km3+00 - km84+00). Trong đó, đã có 45 km đang được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ADB5 (hoàn thành năm 2008), 36 km còn lại đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thông qua Bộ.

Tỉnh lộ 5 (ĐT685): Đang hoàn thiện dự án đầu tư 22 km đường cấp phối còn lại. Dự kiến triển khai nâng cấp đoạn đường này trong năm 2008 và 2010.

Tỉnh lộ 6 (ĐT686): Còn 45 km đường đất, đang triển khai xây dựng gói thầu số 3. Thực hiện đầu tư trong năm 2007 - 2009.

2. Đối với hệ thống huyện lộ:

Giai đoạn 2007 - 2010, nâng cấp, rải nhựa đạt tiêu chuẩn cấp IV,V là 144 km (đạt 60% nhựa hóa), còn lại 181 km được rải cấp phối. Xây dựng vĩnh cửu tất cả các cầu cống trên các tuyến huyện lộ.

3. Hệ thống đường xã, thôn, buôn, bon:

Huy động các nguồn lực, đặc biệt là nội lực của nhân dân, sức đóng góp của nhân dân là chính để xây dựng hệ thống đường xã, thôn, tạo thành phong trào toàn dân làm giao thông nông thôn để đảm bảo mục tiêu đi lại bình thường.

Ưu tiên xây dựng đường ôtô đến trung tâm 17 xã còn đi lại khó khăn trong mùa mưa.

Bình quân mỗi xã trong 01 năm rải nhựa đường xã, thôn được từ 01 km trở lên.

Rải mặt nhựa đường nội buôn bon là 40 buôn bon, đảm bảo sau năm 2010 có 50% các buôn, bon có 1 km đường nhựa trở lên.

4. Hệ thống đường đô thị:

Giai đoạn 2007 - 2010, đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp đường đô thị các trục đường giao thông chính trong thị xã Gia Nghĩa và các thị trấn huyện. Tổng chiều dài các trục đường cần phải xây dựng là 56 km.

5. Hệ thống đường biên giới: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường biên giới, bao gồm: đường hành lang biên giới, tuần tra biên giới và đường nối giữa đường hành lang biên giới với đường tuần tra biên giới để phục vụ tốt yêu cầu bảo đảm an ninh - quốc phòng  và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

6. Hệ thống đường chuyên dùng: Xây dựng các tuyến đường chuyên dùng vào các khu công nghiệp, các công trình thuỷ điện và các tuyến đường khai thác nông lâm nghiệp.

7. Phát triển hệ thống bến bãi đậu xe (giao thông tỉnh):

Trong giai đoạn 2007 - 2010 xây dựng hoàn thành bến xe khách của tỉnh tại TX Gia Nghĩa đạt tiêu chuẩn bến xe cấp 3. Xây dựng 2 bến xe cấp 5 tại các huyện Tuy Đức, Đăk Song. Xây dựng 01 trạm dừng nghỉ xe khách và 01 bãi đậu.

8. Phát triển vận tải và phương tiện vận tải:

Để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, giảm giá thành vận tải, chiến lược phát triển vận tải tập trung giải quyết các vấn đề sau:

8.1. Phát triển hoạt động dịch vụ  vận tải:

Chú trọng hoạt động vận tải nội vùng, nội tỉnh cả hàng hóa và hành khách, đảm bảo việc đi lại, lưu thông hàng hóa trong tỉnh thuận lợi. Đẩy mạnh hoạt động vận tải liên tỉnh; mở rộng các tuyến vận tải hành khách, hàng hóa liên tỉnh và từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, hình thành từng bước là đầu mối trung chuyển hàng hóa của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên; mở mới các tuyến xe buýt công cộng từ thị xã Gia Nghĩa đi Đăk Song, Đăk Mil, Buôn Ma Thuột, Đăk R’Lấp và trong nội thị xã Gia Nghĩa.

8.2. Về phương tiện:

Lựa chọn các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ phải phù hợp với các loại hàng và đối tượng hành khách; phù hợp với cơ sở hạ tầng đường bộ; đảm bảo an toàn giao thông và kiểm soát ô nhiễm môi trường; đảm bảo hội nhập được với các vùng khác.

8.3. Đào tạo lái xe:

Xây dựng trung tâm đào tạo lái xe ôtô và môtô, xây dựng trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đáp ứng nhu cầu lái xe cho tỉnh.

III.2. Tổ chức, quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống đường bộ:

Để duy trì mạng lưới đường giao thông, cần có chính sách phù hợp về duy tu bảo dưỡng định kỳ, nguồn vốn cho công tác bảo trì, tổ chức và phân cấp quản lý hệ thống đường giao thông tại các cấp; các dự án sau khi xây dựng, cải tạo nâng cấp xong cần phải bàn giao cho đơn vị quản lý để tổ chức quản lý, bảo trì:

1. Tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý:

Cấp tỉnh:

Sở Giao thông vận tải quản lý các tuyến tỉnh lộ, một số trục đường giao thông chính trong thị xã Gia Nghĩa và các tuyến quốc lộ do Trung ương ủy thác. Công ty Quản lý sửa chữa xây dựng cầu đường bộ Đăk Nông trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo trì hệ thống đường này.

Cấp huyện:

UBND huyện quản lý hệ thống đường huyện, các trục đường trong thị trấn huyện, UBND thị xã quản lý các tuyến đường giao thông trong thị xã (trừ các tuyến đường chính do Sở Giao thông vận tải quản lý).

UBND các huyện giao cho các Trung tâm dịch vụ công, hoặc các Hạt Quản lý đường bộ thuộc Công ty Quản lý sửa chữa Cầu đường bộ Đăk Nông thực hiện công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì đường.

Cấp xã: UBND xã quản lý đường xã, thôn, buôn.

Đào tạo để có một cán bộ chuyên môn chuyên trách về giao thông (với sự hỗ trợ đào tạo liên tục từ cấp tỉnh) để giúp cho xã quản lý, phát triển hệ thống đường giao thông trong xã, quản lý các hoạt động bảo trì đường giao thông thuộc phạm vi trách nhiệm của xã; phối hợp với cán bộ bảo trì của huyện khảo sát mạng lưới đường và lập kế hoạch bảo trì đường hàng năm; cung cấp được thông tin cơ bản đầu vào hệ thông quản lý mạng lưới đường.

Lực lượng vũ trang quản lý đường tuần tra biên giới.

Hệ thống đường chuyên dùng: Do đơn vị đầu tư, sử dụng quản lý.

IV.  Nguồn vốn và nhu cầu vốn đầu tư:

1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

Huy động đầu tư bằng nhiều nguồn, vốn của Trung ương (thông qua Bộ Giao thông vận tải, các dự án ODA, các chương trình mục tiêu), vốn địa phương, vốn các doanh nghiệp và nguồn vốn đóng góp của nhân dân, cụ thể như sau:

Đối với quốc lộ, đường sắt, đường hàng không: Trung ương đầu tư.

Đối với hệ thống đường tỉnh: Ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm một cách hợp lý, kết hợp nguồn vốn ODA và vốn các chương trình hỗ trợ có mục tiêu.

Đối với hệ thống đường huyện: Đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện. Cơ cấu vốn áp dụng theo Quyết định số 30/2006/QĐ-UBND, ngày 30/8/2006 của UBND tỉnh.

Đối với hệ thống đường đô thị: Trung ương đầu tư thông qua Bộ Giao thông Vận tải trên các tuyến quốc lộ đoạn qua các đô thị; các trục đường khác đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện, vốn các doanh nghiệp, vốn từ quỹ đất và thực hiện theo Quyết định 30/2006/QĐ-UBND, ngày 30/8/2006 của UBND tỉnh.

Đối với hệ thống đường xã, thôn, buôn: Đầu tư xây dựng bằng các chương trình mục tiêu của Chính phủ, bằng nguồn vốn huy động của nhân dân và của ngân sách hỗ trợ một phần, nhưng chủ yếu do nhân dân đóng góp để xây dựng đường giao thông nông thôn. Riêng đối với đường buôn, bon của đồng bào dân tộc thiểu số, ngân sách tỉnh và huyện đầu tư.

Đối với hệ thống đường biên giới: Do Trung ương đầu tư.

Đối với hệ thống đường chuyên dùng: Do các doanh nghiệp tự đầu tư.

Khái toán nhu cầu vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông là: 2.705 tỷ đồng.

Chia ra như sau :

- Ngân sách (ngân sách tỉnh, chương trình mục tiêu, ODA):      853 tỷ đồng.

- Ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp:                                  113 tỷ đồng.

- Ngân sách Trung ương thông qua Bộ GTVT:                  1.682 tỷ đồng.

- Vốn khác (doanh nghiệp, quỹ đất):                            57 tỷ đồng.

Trong đó:

- Quốc lộ:                          720 tỷ đồng.

- Tỉnh lộ:                           356 tỷ đồng.

- Đường huyện:                 228 tỷ đồng.

- Đường đô thị:              1.151 tỷ đồng.

- Đường xã, buôn, bon:                  243 tỷ đồng.

- Bến xe, bãi đậu xe:                          7 tỷ đồng.

2. Vốn cho công tác quản lý,  bảo trì:

Vốn bảo trì đường quốc lộ do Trung ương đảm nhận.

Vốn bảo trì đường tỉnh do Ngân sách tỉnh đảm nhận.

Vốn bảo trì đường huyện, thị trấn do Ngân sách huyện đảm nhận. Hàng năm, UBND huyện lập kế hoạch, đưa nhu cầu vốn bảo trì đường cân đối trong vốn ngân sách huyện.

Bảo trì đường xã, thôn, buôn do UBND xã và nhân dân tự thực hiện.

Bảo trì đường chuyên dùng do đơn vị sử dụng tự thực hiện.

Khái toán nhu cầu vốn quản lý, bảo trì :      39,00 tỷ đồng.

Trong đó :        

- Vốn ngân sách:              19,00 tỷ đồng.

+ Đường tỉnh:   12,00 tỷ đồng.

+ Đường huyện:     7,00 tỷ đồng.

- Vốn do nhân dân đóng góp:        20,00 tỷ đồng.

+ Đường xã, thôn, buôn:               20,00 tỷ đồng.

3. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và bảo trì đường bộ giai đoạn 2007 - 2010 là : 2.744 tỷ đồng.

Chia ra :

- Ngân sách (Ngân sách tỉnh, chương trình mục tiêu, ODA):    872 tỷ đồng.

- Ngân sách huyện, xã, nhân dân góp:                     133 tỷ đồng.

- Ngân sách TW thông qua Bộ GTVT:                        1.682 tỷ đồng.

- Vốn khác (quỹ đất, doanh nghiệp):                                            57 tỷ đồng.

4. Vốn đầu tư phát triển phương tiện đường bộ và bến bãi:

Đầu tư phát triển ôtô vận tải hàng hóa và hành khách trên địa bàn tỉnh do tư nhân, các HTX vận tải và doanh nghiệp kinh doanh vận tải tự đầu tư.

Đầu tư phát triển hệ thống bến bãi và các cơ sở đào tạo lái xe do các tổ chức doanh nghiệp đầu tư là chính.

V. Tổ chức thực hiện:

Nhiệm vụ phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2007 - 2010 đặt ra là hết sức nặng nề. Nhu cầu vốn đầu tư quản lý, phát triển giao thông tăng vọt, riêng vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh tăng 351%/năm (giai đoạn 2004 - 2006 bình quân 62 tỷ đồng/1 năm, nhu cầu giai đoạn 2007 - 2010 là 218 tỷ đồng/1 năm). Trong khi đó Đăk Nông lại là một tỉnh mới thành lập, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì, đều phải xây dựng mới, nguồn thu ngân sách lại hết sức hạn chế, việc bố trí vốn để phát triển giao thông vận tải trong giai đoạn tới là hết sức khó khăn. Để thực hiện hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2007 - 2010 cũng như thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Nông lần thứ nhất, tổ chức thực hiện như sau:

1. Về phân cấp quản lý đường giao thông:

Đối với hệ thống đường tỉnh (gồm các tuyến tỉnh lộ, các trục đường chính đô thị Gia Nghĩa): Giao cho Sở Giao thông Vận tải quản lý.

Đối với hệ thống đường huyện, xã, thôn buôn và thị trấn huyện: Giao cho UBND huyện quản lý. UBND huyện giao cho UBND xã quản lý hệ thống đường xã, thôn, buôn trên địa bàn của xã.

2. Về mô hình tổ chức: 

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện giao thông vận tải. Thành phần bao gồm:

+ 01 Lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban,

+ Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm phó ban.

+ Các thành viên gồm: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng.

Mỗi năm, Ban chỉ đạo họp hai kỳ để chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển giao thông vận tải.

UBND các huyện tổ chức tuyển dụng cán bộ phụ trách giao thông cho Phòng Hạ tầng - Kinh tế huyện, đảm bảo có từ 1 đến 2 cán bộ phụ trách về giao thông, để Phòng có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức bảo trì hệ thống đường sá của huyện.

3. Về vốn và cơ chế đầu tư:

Để huy động tốt mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, xây dựng giao thông, đề nghị một số giải pháp như sau:

Cho phép các huyện, thị xã lập phương án thu hồi đất ở hai bên đường mới xây dựng để bù đắp một phần kinh phí, khi đầu tư xây dựng đường đô thị.

Để đẩy mạnh phong trào toàn dân làm giao thông nông thôn trên cơ sở đóng góp của người dân, giao cho UBND xã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức huy động vốn theo đúng Nghị định số 24/1999/NĐ-CP, ngày 16/4/1999 của Chính phủ, Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND, ngày 03/8/2006 của HĐND tỉnh Đăk Nông và quy chế dân chủ ở cơ sở, dân được bàn bạc và quyết định mức đóng góp để đầu tư xây dựng hệ thống đường xã, thôn, buôn. Ngân sách tỉnh hỗ trợ phần vật liệu nhựa đường hoặc xi măng cho công trình.

Đẩy nhanh xã hội hóa công tác vận tải, thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng bến, bãi đậu xe, tăng số lượng đầu xe. Ngân sách hỗ trợ công tác GPMB sau đó giao đất cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng; giao UBND tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn tín dụng cho việc mua sắm phương tiện vận tải.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

K' Beo

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.