Sign In

CHỈ THI

Về việc tăng cường công tác bảo vệ hệ thống dây cáp thông tin viễn thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

                                                                            ____________________

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra nhiều vụ trộm cắp, cắt phá cáp viễn thông, phá hoại các công trình thông tin viễn thông liên quan đến an ninh Quốc gia. Những việc làm trên không những gây thiệt hại cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông mà còn gây gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc.

Để đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng thông tin nói chung, hệ thống dây cáp thông tin viễn thông tỉnh Đồng Nai nói riêng, nhằm phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp viễn thông triển khai những việc sau:

1. Sở Bưu chính - Viễn thông:

a) Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức giá trị của hệ thống thông tin viễn thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - trật tự, đồng thời vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ hệ thống dây cáp thông tin viễn thông trên dịa bàn tỉnh;

b) Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan tiến hành điều tra, xác minh các hành vi vi phạm; có kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp, các địa phương trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống dây cáp thông tin viễn thông.

2. Công an tỉnh Đồng Nai:

a) Phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin;

b) Chủ trì điều tra, xác minh các vụ việc xâm phạm hệ thống đường dây thông tin;

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ công trình viễn thông trọng điểm, phổ biến các quy định của pháp luật
trong việc xử lý các hành vi vi phạm theo Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày
08/7/2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện;

d) Chỉ đạo Công an cấp huyện phối hợp với các lực lượng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi cắt trộm đường dây cáp thông tin viễn thông. Khi phát hiện trường hợp cắt trộm đường dây cáp thông tin viễn thông, phải khẩn trương điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật.

3. Các doanh nghiệp viễn thông:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ mạng lưới thông tin liên lạc của doanh nghiệp mình; thường xuyên kiểm tra, giám sát mạng lưới thông tin thuộc quyền quản lý để phát hiện và kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc được xuyên suốt;

b) Thông báo cho Sở Bưu chính - Viễn thông về kế hoạch phát triển mạng lưới viễn thông của doanh nghiệp mình;

c) Phối hợp với các doanh nghiệp khác trong việc cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện những hành vi xâm hại mạng lưới thông tin;

 d) Phối hợp với Công an địa phương xây dựng phương án giải quyết các sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có tình huống khẩn cấp xảy ra như: Phá hoại mạng lưới, công trình viễn thông;

đ) Chủ động phối hợp và cung cấp thông tin cần thiết về tuyến cáp bị xâm hại cho các cơ quan có liên quan (Công an các cấp, Sở Bưu chính - Viễn thông) để phục vụ cho công tác xác minh, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trộm cắp, cắt phá cáp viễn thông;

e) Công nhân dây máy của các doanh nghiệp khi thi công công trình hoặc sửa chữa phải đeo bảng tên, ghi rõ họ tên và nơi làm việc, tránh nhầm lẫn kẻ xấu giả danh để trộm cắp hoặc cắt phá hệ thống dây thông tin;

g) Thông báo kế hoạch thi công, sửa chữa mạng lưới viễn thông cho chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn về công trình chuẩn bị thi công. Nội dung thông báo gồm địa điểm, thời gian, đồng phục của công nhân thi công;

h) Xây dựng hệ thống cảnh báo, chống trộm, đảm bảo phát hiện ngay khi có người xâm hại đến hệ thống dây cáp thông tin viễn thông;

i) Thiết lập đường dây nóng phục vụ việc xử lý nguồn thông tin do người dân cung cấp để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra thiệt hại;

k) Phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần tự giác của người dân trong việc bảo vệ hệ thống dây cáp thông tin viễn thông. Đồng thời, có hình thức
khen thưởng kịp thời nhằm khuyến khích người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến hệ thống dây cáp thông tin viễn thông.

4. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa:

a) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ hệ thống dây cáp thông tin viễn thông đến quần chúng nhân dân, đồng thời khuyến cáo tổ chức, cá nhân kinh doanh mua bán phế liệu không được thu mua các loại dây dẫn, dây cáp thông tin viễn thông và các vật liệu khác thuộc hệ thống dây cáp thông tin viễn thông không rõ nguồn gốc;

b) Chỉ đạo lực lượng công an, dân quân tự vệ ở cơ sở đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với loại tội phạm trộm cắp, cắt phá cáp viễn thông.

5. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xem xét, tổ chức tiến hành xét xử lưu động các vụ án phá hủy công trình phương tiện quan trọng an ninh Quốc gia liên quan đến hoạt động phá hủy hệ thống thông tin liên lạc.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ hệ thống dây cáp thông tin viễn thông.

Chỉ thị có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đinh Quốc Thái