Sign In

NGHỊ QUYẾT   

Về việc quy định mức hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020

__________________________

 
 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 9

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;      

Sau khi xem xét Tờ trình số 10066/TTr-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua đề án xây dựng mức hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định mức hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020 (kèm theo Tờ trình số 10066/TTr-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai) với các nội dung chủ yếu như sau:  

1. Đối tượng hỗ trợ  

Nghị quyết này áp dụng cho 136 xã thuộc các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

2. Nội dung hỗ trợ

Lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đào tạo kiến thức xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn (ấp) bản, cán bộ hợp tác xã; phát triển sản xuất và dịch vụ; cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn; thủy lợi; công trình cấp nước sinh hoạt; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản; làm đường giao thông nông thôn; công trình thoát nước thải khu dân cư; xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng xã; xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao ấp; xây dựng trụ sở ở tất cả các xã.

3. Mức hỗ trợ

a) Một số nội dung đầu tư đã được áp dụng mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 77/2006/NQ-HĐND ngày 28/9/2006 và Nghị quyết số 152/2009/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai như: Đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông xóm (ấp), giao thông nội đồng; xây dựng trung tâm văn hóa thể thao cơ sở; công trình thoát nước khu dân cư tính theo đường giao thông.

b) Nội dung hỗ trợ mới

- Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đề án xây dựng nông thôn mới: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% kinh phí cho việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã của tỉnh.

- Đào tạo kiến thức xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn (ấp) bản, cán bộ hợp tác xã: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% kinh phí cho việc đào tạo kiến thức xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn (ấp) bản, cán bộ hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển sản xuất và dịch vụ: Mức hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật… áp dụng theo các chương trình, đề án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hoặc Ủy ban nhân tỉnh tỉnh đã ban hành và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

- Cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn:  

+ Ngân sách huyện đầu tư 100% kinh phí xây dựng các trường công lập từ mầm non đến trung học cơ sở ở các xã.

+ Đối với các vùng khu công nghiệp trên địa bàn vùng nông thôn thực hiện theo phương thức kêu gọi xã hội hóa giáo dục đầu tư cho bậc học mầm non. 

- Cơ sở vật chất y tế xã: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây mới các các trạm y tế ở các xã.

- Thủy lợi:

+ Xây dựng kênh chính, kênh cấp 1, kênh cấp 2 có diện tích phục vụ từ 25 ha trở lên (kênh loại II).

Đối với đồng bằng: Kinh phí đầu tư gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thủy lợi phí và vay vốn tín dụng ưu đãi do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ hàng năm.

Đối với miền núi:

 Những kênh nằm trong dự án đang triển khai, nguồn vốn đầu tư được quy định trong văn bản phê duyệt dự án.

 Những kênh không nằm trong dự án đang triển khai, ngân sách tỉnh đầu tư bằng 70% giá thành xây dựng (không bao gồm chi phí bồi thường); phần còn lại vay vốn tín dụng ưu đãi do Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ hàng năm.

+ Xây dựng kênh liên ấp, nội đồng có diện tích tưới tiêu dưới 25 ha (kênh loại III):

 Đối với đồng bằng: Ngân sách huyện hỗ trợ với mức bằng 60% giá thành xây dựng (không bao gồm chi phí bồi thường), phần còn lại do nhân dân đóng góp. Để rút ngắn thời gian hoàn thành kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thực hiện phân bổ vay vốn tín dụng ưu đãi.

Đối với miền núi: Ngân sách huyện hỗ trợ với mức bằng 70% giá thành xây dựng (không bao gồm chi phí bồi thường), phần còn lại do nhân dân đóng góp. Để rút ngắn thời gian hoàn thành kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thực hiện phân bổ vay vốn tín dụng ưu đãi.

+ Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung: Ngân sách tỉnh đầu tư khu đầu mối và tuyến đường ống chính, ngân sách huyện đầu tư chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng công trình. Nhân dân đóng góp lắp đặt tuyến đường ống nhánh và đồng hồ nước hộ gia đình (không tính trong tổng dự toán công trình).

- Điện phục vụ cho các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Điện trung thế và trạm biến áp: Ngân sách tỉnh hỗ trợ bù khoản lãi suất chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất ưu đãi cho ngành Điện khi ngành Điện thực hiện xây dựng các công trình điện trung thế và trạm biến áp tại các khu sản xuất nêu trên mà có sử dụng vốn vay từ các ngân hàng thương mại và vốn vay lãi suất ưu đãi.

+ Điện hạ thế sau trạm biến áp: Do các hộ sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản và địa phương (cấp huyện) có trách nhiệm đầu tư.

- Xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân xã: Ngân sách huyện đầu tư 100% kinh phí cho xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân ở tất cả các xã còn lại. 

(Mức hỗ trợ cụ thể đối với từng nội dung trên có phụ lục kèm theo).

4. Hình thức đầu tư và địa bàn xem xét ưu tiên đầu tư

a) Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh lập dự toán kinh phí hỗ trợ đầu tư cho các xã nông thôn mới theo định mức hỗ trợ trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

b) Hình thức xem xét ưu tiên

 - Địa bàn ưu tiên:

+ Ưu tiên 01: Tập trung đầu tư cho 34 xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới; ngoài 34 xã này, có quan tâm các xã đến năm 2015 có đủ điều kiện hoàn thành 19 tiêu chí.

+ Ưu tiên 02: Các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

+ Ưu tiên 03: Các xã còn lại.

(Có danh sách các xã theo vùng kèm theo).

- Nội dung ưu tiên:

+ Lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

+ Kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn (ấp) bản, cán bộ hợp tác xã. 

+ Phát triển sản xuất và dịch vụ.

+ Xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn.

+ Xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn.

+ Xây dựng các công trình thủy lợi.

+ Xây dựng hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.

+ Công trình cấp nước sinh hoạt.

+ Làm đường giao thông nông thôn.

+ Công trình thoát nước thải khu dân cư.

+ Xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao, học tập cồng đồng xã; xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao ấp.

+ Xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân ở tất cả các xã.

c) Đối với các công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn chương trình nông thôn mới đã khởi công trước khi Nghị quyết này được thông qua thì không áp dụng định mức hỗ trợ từ ngân sách theo quy định tại Nghị quyết này.

5. Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này, định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2013./.      

Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Tư