• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/01/1997
HĐND TỈNH NGHỆ AN
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 25 tháng 1 năm 1997

NGHỊ QUYẾT

CỦA HĐND TỈNH NGHỆ AN KHÓA 13 - KỲ HỌP THỨ 5

Về nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 1996 - 2000

_________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) năm 1994;

Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh về phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000 và ý kiến của các đại biểu;

QUYẾT NGHỊ:

Tán thành báo cáo của UBND tỉnh về mục tiêu chủ yếu và định hướng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000.

I. Những mục tiêu chủ yếu.

A. Về kinh tế.

1. Tập trung sức cho mục tiêu phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng trong tỉnh (GDP) bình quân thời kỳ 1996-2000 là 16-17%/năm, để đến năm 2000 (GDP) bình quân đầu người tăng gấp 2-2,2 lần so với 1995.

Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư tăng bình quân hàng năm 5,5-6,0%. Trong đó, tổng sản phẩm lương thực quy thóc đạt 82-85 vạn tấn.

Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hàng năm 28-30%.

Giá trị dịch vụ tăng bình quân hàng năm 26,5 - 29%.

2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ để đến năm 2000 đạt tỷ trọng các ngành trong GDP như sau:

Công nghiệp - xây dựng 21%

Dịch vụ: 49%

Nông - lâm - ngư: 30%

3. Kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2000 đạt 80 - 100 triệu USD.

4. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2000, đảm bảo chi thường xuyên và có một phần đầu tư phát triển.

B. Về văn hóa - xã hội.

1. Hạ tỷ lệ phát triển dân số hàng năm là 0,1%.

2. Đến năm 2000 toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc gia vềphổ cập giáo dục tiểu học: Xóa mù chữ 300.600 người, có 3000-3100 học sinh phổ thông trên 1 vạn dân.

3. Thực hiện xóa đói giảm nghèo đến năm 2000 không còn hộ đói, số hộ nghèo chỉ còn 10-15% tổng số hộ.

4. Tạo việc làm cho người lao động 5 năm 1996-2000: 40-45 ngàn người.

5. Đến năm 2000 có 30-31 giường bệnh cho 1 vạn dân.

6. Tỷ lệ dân số dùng nước sạch đến năm 2000 đạt 80%.

7. Tỷ lệ dân được nghe đài phát thanh, đến năm 2000: 90 - 95%.

8. Tỷ lệ hộ dân có máy thu hình đến năm 2000: 40-45%.

II. Những định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đến năm 2000.

Giai đoạn từ nay đến năm 2000 là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuẩn bị các tiền đề cho các bước phát triển cao hơn sau năm 2000.

A. Về kinh tế:

1- Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

Chuyển nhanh cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, chuyên canh phù hợp với hệ sinh thái của từng vùng trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu về khoa học - công nghệ, sinh học.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông; thực hiện cấp 1 hóa giống lúa tăng nhanh tỷ lệ lúa lai, ngô lai để tăng sản lượng thương thực; sin hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, phát triển chăn nuôi các loại gia súc gia cầm.

Đầu tư phát triển nhanh các vùng cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Tổ chức khoanh nuôi và bảo vệ bằng được 58 vạn ha rừng hiện có. Phát triển lâm nghiệp xã hội bằng giao đất, khoán rừng ổn định lâu dài cho các tổ chức xã hội và nhân dân. Sử dụng mọi lực lượng, mọi nguồn vốn để phủ xanh đất trống, đồi trọc, hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp. Phấn đấu tăng độ che phủ từ 36% năm 1995 lên 45% năm 2000, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái.

Khai thác triệt để các thế mạnh về biển: đánh bắt, nuôi trồng và bảo vệ các nguồn lợi thủy hải sản, gắn với chế biến xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng của nhân dân.

2- Phát triển công nghiệp hóa, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng:

Đẩy nhanh tốc độ phát triển nhằm tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách; ưu tiên phát triển các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, xúc tiến việc lập các chương trình dự án mới phát triển công nghiệp. Xây dựng cơ chế khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp không chỉ đối với người trong tỉnh mà cả các địa phương trong cả nước và nước ngoài để làm ăn ở tỉnh ta.

Tiếp tục nâng cấp và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, điện lực, bưu điện, cấp nước cho công nghiệp sinh hoạt.

3. Thương mại, du lịch - dịch vụ và đối ngoại.

Tổ chức hệ thống thương mại dịch vụ đủ mạnh để đẩy nhanh quá trình giao lưu hàng hóa thông suốt giữa các vùng, hội nhập vào thị trường trong nước và quốc tế, tăng nhanh khối lượng hàng xuất nhập khẩu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, tăng thu ngân sách.

Đầu tư nâng cấp các khu du lịch hiện có và tạo thêm các điểm du lịch mới; khai thác triệt để thế mạnh các bãi biển trong tỉnh. Xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng như khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí và nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước qua đó mà đẩy mạnh các giao lưu văn hóa, kinh tế và tăng việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư nước ngoài gồm đầu tư trực tiếp (FDI), viện trợ Chính phủ (ODA) và viện trợ phi Chính phủ (NGO), quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đó.

4- Phát triển một cách hợp lý các vùng kinh tế trong tỉnh.

Do đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội ở mỗi vùng khác nhau đòi hỏi phải có phương hướng, cơ chế chính sách phát triển phù hợp nhằm khai thác triệt để các lợi thế và tiềm năng của từng vùng.

Vùng núi cao:

Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, bảo vệ khoanh nuôi, cải tạo tu bổ rừng để tăng vốn rừng; phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và các nghề tiểu thủ công nghiệp gia đình. Ổn định diện tích lúa rãy, thâm canh diện tích lúa nước để bảo đảm cân đối 1 phần lương thực; thực hiện lồng ghép các chương trình 327, định canh định cư, chương trình thay thế cây thuốc phiện, chương trình xóa đói giảm nghèo.

Vùng núi trung du và núi thấp:

Chủ yếu phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lương thực, cây ăn quả. Thực hiện các chương trình trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, cá nước ngọt; đẩy nhanh công nghiệp chế biến, và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Vùng đồng bằng:

Tập trung thâm canh cao cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm; phát triển chăn nuôi, ngành nghề..., gắn với các cơ sở chế biến.

Vùng biển:

Đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối và trồng rừng phòng hộ. Phát triển mạnh các ngành du lịch - dịch vụ và vận tải biển.

Vùng đô thị (thành phố, thị xã, trung tâm công nghiệp, trị trấn, thị tứ).

Tập trung xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp, dịch vụ và vành đai thực phẩm, trở thành vùng động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả tỉnh.

B. Các lĩnh vực xã hội, quốc phòng an ninh:

1- Phát triển văn hóa, xã hội theo hướng chăm lo bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người; mỗi người có việc làm, cuộc sống ổn định, được học hành, chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ văn hóa; xây dựng rách nhiệm công dân, quan hệ lành mạnh, giàu tình nghĩa thủy chung nhằm phát huy các truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, đại đoàn kết toàn dân. Kiên quyết bài trừ văn hóa phẩm độc hại và các tệ nạn xã hội; thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa.

2- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân thực sự vững mạnh toàn diện, ngăm chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toán xã hội trong mọi tình huống.

Xây dựng lực lượng vũ trang và công an nhân dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật thực sự trong sạch vững mạnh làm nòng cốt và chỗ dựa tin cậy của nhân dân trên mặt trận quốc phòng an ninh.

Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, tiêu xài lãng phí, thực hành tiết kiệm trong toàn xã hội một cách có hiệu quả. Các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước phải gương mẫu chấp hành tốt để thực sự tạo lập niềm tin cho nhân dân.

C. Tổ chức thực hiện Nghị định về kế hoạch 5 năm 1996-2000.

Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm 1996 - 2000 là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân, các cơ quan Nhà nước Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Hội đồng nhân dân giao trách nhiệm cho UBND tỉnh căn cứ mục tiêu và định hướng kế hoạch 5 năm để lập kế hoạch hàng năm từ nay đến năm 2000 trình HĐND xem xét, quyết định và tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

Hội đồng nhân dân, thường trực, các ban, các đại biểu HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới hoạt động để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; tăng cường chất lượng kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND.

Mặt trận tổ quốc và các thành viên tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cư và cán bộ, viên chức Nhà nước; đồng thời, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua phấn đấu thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 1996 - 2000.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sỹ tỉnh nhà, các cấp, các ngành hãy nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn thử thách, năng động, sáng tạo trong sản xuất và công tác. Khai thác, phát huy mọi nguồn lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 13, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 25 tháng 01 năm 1997./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Như Vỹ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.