Sign In

THÔNG TƯ

Quy định và hướng dẫn chế độ thanh toán hàng viện trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên chính phủ, chính phủ, các tổ chức quần chúng và tư nhân nước ngoài (gọi tắt là hàng viện trợ)

______________________________

 Quyết định 261-CP ngày 14/9/1977 của Hội đồng Chính phủ (1) về việc sửa đổi và bổ sung nhiệm vụ của Ban Thống nhất quản lý viện trợ ở cuối điều 6 có ghi: " . . . Chế độ về giao nhận và thanh toán hàng viện trợ áp dụng theo quy chế hàng nhập đã được quy định ở Nghị định 200-CP ngày 31/12/1973 của Hội đồng Chính phủ . . ."

Chỉ thị số 192-TTg ngày 24/5/1979 và số 340-TTg ngày 23-10-1979 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý viện trợ của các tổ chức quốc tế đã nói rõ: "Các nguồn viện trợ dù dưới dạng nào, đều là nguồn bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của kế hoạch Nhà nước và Ngân sách Nhà nước . . ." Điều 4 phần III của Chỉ thị 192-TTg và Điều 3 phần II của Chỉ thị 340-TTg có nêu: "Bộ Tài chính cần giải quyết kịp thời việc cấp vốn cho các đơn vị hành chính sự nghiệp có nhận hàng viện trợ, ban hành chế độ thanh toán hàng viện trợ cho phù hợp với tình hình và tính chất viện trợ hiện nay. Ngân hàng kiến thiết Trung ương cần kịp thời giải quyết vốn về thiết bị máy móc cho các ngành, các địa phương nhận hàng viện trợ".

Thi hành các quy định của Hội đồng Chính phủ và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế công tác giao nhận và thanh toán hàng viện trợ thời gian qua, Bộ Tài chính quy định chế độ thanh toán hàng viện trợ nhằm đảm bảo tăng cường quản lý tài sản của Nhà nước, quản lý vật tư, hàng hoá, ngoại tệ và tài chính, phát huy hiệu quả kinh tế số viện trợ quốc tế, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với việc quản lý số tài sản viện trợ đồng thời đảm bảo sự kiểm tra tài chính đối với việc phân phối sử dụng và thanh toán hàng viện trợ của Nhà nước.

(1) Nay nhiệm vụ chỉ đạo công tác tiếp nhận viện trợ được chuyển sang Uỷ ban Quan hệ kinh tế với nước ngoài theo Nghị định sóo 137/CP ngày 3/5/1980 của Hội đồng Chính phủ.

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

Hàng hoá, vật tư, tiền mặt (bằng các loại ngoại tệ và tiền Việt nam) do nước ngoài viện trợ cho ta dưới mọi hình thức đều là tài sản của Nhà nước, cần được quản lý thống nhất thông qua kế hoạch Nhà nước và Ngân sách Nhà nước:

1/ "Hàng viện trợ" được phân phối cho các ngành, các địa phương, theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước do Chính phủ quyết định, và được ghi vào Ngân sách Nhà nước.

2/ Ban tiếp nhận viện trợ là cơ quan được giao nhiệm vụ làm các thủ tục giao nhận và thanh toán hàng viện trợ, đôn đốc cơ quan nhận hàng viện trợ trả tiền hàng đúng thời hạn đã quy định ở điều 44 chương V của Nghị định 200-CP của Hội đồng Chính phủ, thu và nộp tiền hàng viện trợ vào Ngân sách Nhà nước.

3/ Mọi thủ tục thanh toán tiền hàng viện trợ đều tập trung đầu mối vào Bộ, ngành (cấp Trung ương) được Nhà nước cho phép tiếp nhận và sử dụng hàng viện trợ, có trách nhiệm nhận hàng nhanh chóng đưa vào sử dụng và thanh toán tiền hàng đúng thời hạn.

4/ Tuỳ theo tính chất hàng hoá, các Bộ, các ngành sử dụng nguồn vốn thích hợp (vốn lưu động, vốn dự trữ, vốn kiến thiết cơ bản, kinh phí hành chính, sự nghiệp . . .) để đảm bảo việc quản lý vốn, quản lý vật tư rành mạch, chặt chẽ ngay từ đầu.

5/ Giá cả để thanh toán hàng viện trợ được áp dụng theo điều 24 chương III của Nghị định 200-CP của Hội đồng Chính phủ và Thông tư Liên Bộ Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Tài chính - Bộ Ngoại thương số 3-TT/LB ngày 15/11/1975 cụ thể là:

a. Giá ban buôn hàng nhập khẩu đã được Uỷ ban Vật giá Nhà nước công bố là cơ sở để tính và thanh toán hàng viện trợ.

b. Những mặt hàng viện trợ chưa có giá công bố của Uỷ ban Vật giá Nhà nước thì áp dụng theo giá bán lẻ của ngành Nội thương trừ (-) tỷ lệ phần trăm về chiết khấu thương nghiệp.

c. Những mặt hàng viện trợ chưa có giá trong nước (nói ở điểm a và b) thì sẽ theo giá hoá đơn nước ngoài (bằng ngoại tệ) quy ra tiền Việt nam theo tỷ giá kết toán nội bộ hiện hành, cộng thêm chi phí giành cho Ban Tiếp nhận viện trợ để làm giá thanh toán tạm thời.

Khi có giá bán buôn hàng nhập do Uỷ ban Vật giá Nhà nước công bố hoặc giá bán lẻ của ngành Nội thương, đơn vị nhận hàng được thanh toán khoản chênh lệch tăng (+) hoặc giảm (-) giữa giá tạm tính và giá chính thức với Bộ Tài chính.

d. Những mặt hàng viện trợ đã cũ, kém phẩm chất, giá trị không lớn, số lượng không nhiều thì giá thanh toán do Ban Tiếp nhận viện trợ và đơn vị nhận hàng thoả thuận.

đ. Trường hợp có nhiều loại hàng được đóng gói chung trong một kiện (caisse, carton, centainer . . .) thì Ban Tiếp nhận viện trợ cần kiểm kê, phân loại, định giá để giao cho các đơn vị nhận hàng và lập hoá đơn thanh toán, bảo đảm nhanh chóng và chính xác.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1/ Hàng viện trợ thanh toán bằng vốn kiến thiết cơ bản:

Các loại thiết bị, trang bị đồng bộ cho các xí nghiệp, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm . . . Bộ, ngành được nhận viện trợ phải chỉ định ngay một đơn vị hạch toán kinh tế, có tài khoản ở Ngân hàng kiến thiết Trung ương, thay mặt Bộ, ngành ký hợp đồng nhận hàng và thanh toán tiền hàng viện trợ với Ban Tiếp nhận viện trợ.

Đơn vị được chỉ định ký hợp đồng, nhận hàng và thanh toán phải lập kế hoạch hàng về có trị giá thành tiền Việt nam gửi Bộ Tài chính, Ban Tiếp nhận viện trợ, kèm theo kế hoạch xin cấp phát vốn kiến thiết cơ bản.

Hàng về năm nào thì phải xin ghi vào kế hoạch đầu tư XDCB và Ngân sách năm ấy để khi hàng về là có vốn thanh toán.

Trường hợp, các thiết bị đồng bộ giao ngoài kế hoạch, đơn vị được chỉ định nhận hàng phải báo cáo ngay với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước  để xin bổ sung kế hoạch và Bộ Tài chính để xin cấp phát vốn kiến thiết cơ bản bổ sung.

Trường hợp các công trình, dự án xây dựng cho địa phương thì Bộ, ngành chủ quản phải thông báo cho Ban Tiếp nhận viện trợ biết đơn vị và địa phương được chỉ định nhận hàng để đảm bảo việc giao hàng được chính xác kịp thời. Việc thanh toán tiền hàng viện trợ của các công trình, dự án này vẫn do Bộ, ngành chủ quản chịu trách nhiệm trả tiền hàng cho Ban Tiếp nhận viện trợ.

Khi giao hàng xong, căn cứ vào phiếu giao hàng, Ban Tiếp nhận viện trợ lập hoá đơn và nhờ thu gửi đến Ngân hàng Ngoại thương Việt nam; Sau khi kiểm tra đầy đủ các chứng từ thanh toán, Ngân hàng Ngoại thương Việt nam chuyển ngay các chứng từ thanh toán này đến Ngân hàng kiến thiết Trung ương, để thanh toán theo chế độ hiện hành.

2/ Hàng viện trợ thanh toán bằng nguồn vốn lưu động:

- Hàng viện trợ thuộc loại hàng thông dụng như lương thực, thực phẩm, bông vải sợi, quần áo may sẵn, các loại bách hoá, các loại máy khâu, máy thu thanh, thu hình . . . giao cho các đơn vị chuyên doanh thuộc Bộ Lương thực thực phẩm và Bộ Nội thương . . .

- Dược phẩm, dược liệu các loại giao cho xí nghiệp sản xuất và công ty chuyên doanh thuộc Bộ Y tế.

- Các loại thiết bị, máy lẻ phục vụ giao thông vận tải nông nghiệp, hải sản, thủy lợi . . . giao cho các đơn vị chuyên doanh thuộc các Bộ, các ngành được phân công quản lý các loại hàng đó.

- Các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu . . . giao cho các công ty, xí nghiệp, Liên hiệp các xí nghiệp thuộc các Bộ, các ngành quản lý sản xuất.

Tất cả các loại hàng hoá viện trợ kể trên, cơ quan nhận hàng sử dụng vốn lưu động (tự có, hoặc vốn vay Ngân hàng) để trả tiền hàng cho Ban Tiếp nhận viện trợ.

Ban Tiếp nhận viện trợ căn cứ vào phiếu giao hàng lập hoá đơn và nhờ thu gửi đến Ngân hàng Ngoại thương Việt nam để chuyển cho Ngân hàng phục vụ bên mua. Ngân hàng phục vụ bên mua báo cho cơ quan nhận hàng biết để làm thủ tục trích tài khoản hoặc xin vay Ngân hàng để trả tiền hàng cho Ban Tiếp nhận viện trợ.

Quá hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Ngân hàng đơn vị nhận hàng không làm các thủ tục thanh toán nói trên thì Ngân hàng phục vụ bên mua tự động trích tài khoản của đơn vị nhận hàng để thanh toán tiền hàng cho Ban Tiếp nhận viện trợ, trường hợp tài khoản của bên mua không còn tiền thì Ngân hàng phục vụ bên mua cho vay để trả tiền hàng cho Ban Tiếp nhận viện trợ và áp dụng các chế độ phạt chậm trả đối với đơn vị nhận hàng.

3/ Hàng viện trợ  thanh toán bằng nguồn vốn cấp phát của Ngân sách Nhà nước:

- Hàng viện trợ được Thủ tướng Chính phủ quyết định phát không cho nhân dân các vùng bị thiệt hại vì thiên tai, địch hoạ; cho trẻ em (trong và ngoài nhà trẻ) hoặc một số đối tượng và trường hợp đặc biệt khác đều do nguồn kinh phí của Ngân sách Nhà nước cấp phát để thanh toán.

Cơ quan được giao nhiệm vụ phân phối hàng viện trợ phát không phải lập dự toán đề nghị Bộ Tài chính cấp phát kinh phí để nhận hàng và thanh toán tiền hàng cho Ban Tiếp nhận viện trợ hoặc cơ quan được phân công quản lý hàng.

Cơ quan được giao nhiệm vụ phân phối hàng viện trợ phát không cần phải lập kế hoạch phân phối hàng hoá. Kế hoạch phân phối phải ghi rõ:

+ Tên hàng, số lượng, trị giá thành tiền

+ Đối tượng được phân phối

+ Tên địa phương được phân phối.

Kế hoạch phân phối phải gửi đến cơ quan quản lý hàng, Bộ Tài chính (Vụ quản lý tài vụ Hành chính Văn xã, hoặc Vụ tài vụ ngành liên quan, Vụ quản lý Ngân sách Nhà nước) và Ban Tiếp nhận viện trợ.

Cơ quan quản lý hàng giao chỉ tiêu cho đơn vị của mình điều hàng xuống từng địa phương cho khớp với yêu cầu của cơ quan chủ quản.

Bộ Tài chính (Vụ Quản lý tài vụ hành chính văn xã hoặc Vụ tài vụ ngành, Vụ quản lý Ngân sách Nhà nước) cấp phát kinh phí cho cơ quan chủ quản làm các thủ tục thu tiền hàng viện trợ cho Ngân sách Nhà nước đồng thời thông báo trị giá hàng viện trợ phát không xuống các Sở, Ty tài chính các cơ quan giao hàng và các đơn vị sử dụng hàng các địa phương được phân phối hàng viện trợ phát không.

- Hàng viện trợ giao cho các cơ quan hành chính sự nghiệp, Ban Tiếp nhận viện trợ căn cứ vào phiếu giao hàng lập hoá đơn và nhờ thu gửi Bộ Tài chính (Vụ Hành chính Văn xã hoặc Vụ Tài vụ ngành, Vụ Quản lý Ngân sách Nhà nước) để Bộ Tài chính cấp phát kinh phí thanh toán tiền hàng cho Ban Tiếp nhận viện trợ, đồng thời làm lệnh thu tiền hàng viện trợ vào Ngân sách Nhà nước.

4/ Các khoản viện trợ bằng ngoại tệ:

Ngoài các khoản viện trợ bằng thiết bị kỹ thuật và hàng hoá, các tổ chức quốc tế, các tổ chức quần chúng hoặc Chính phủ các nước có viện trợ bằng ngoại tệ (tiền mặt hoặc phiếu chuyển tiền) được chuyển qua Ngân hàng Ngoại thương Việt nam hoặc giao trực tiếp cho các sứ quán ta tại nước ngoài để chuyển về nước . . . để thanh toán các chi phí về nhân công xây dựng, mua vật liệu tại chỗ, để thực hiện các dự án công trình đã thoả thuận hoặc để giúp các địa phương và các cơ quan của ta tự xây dựng một số công trình nhất định như trường học, bệnh viện, nhà trẻ . . .

Khi nhận được các khoản ngoại tệ kể trên Ngân hàng Ngoại thương Việt nam ghi vào tài khoản riêng cho Ban Tiếp nhận viện trợ và báo cho cơ quan này biết để làm thủ tục nộp tiền Việt nam (tính chuyển từ ngoại tệ theo tỷ giá kết toán nội bộ hiện hành vào Ngân sách Nhà nước và thông báo cho cơ quan chủ quản và các địa phương được nhận viện trợ biết để làm việc với Bộ Tài chính và Ban Tiếp nhận viện trợ về việc sử dụng khoản viện trợ này.

Ban Tiếp nhận viện trợ có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan chủ quản và các địa phương được nhận khoản viện trợ bằng tiền Việt nam (từ ngoại tệ chuyển đổi ra) để sử dụng các yêu cầu của các  tổ chức viện trợ và hướng dẫn làm thông báo việc sử dụng (nếu có yêu cầu) cho các tổ chức viện trợ.

Những quy định trên đây căn cứ vào chương  V "Trả tiền hàng nhập khẩu trong Điều lệ "Lập kế hoạch nhập khẩu, ký kết hợp đồng, giao nhận và trả tiền hàng nhập khẩu" ban hành kèm theo Nghị định 200-CP ngày 31/12/1973 của hội đồng Chính phủ và Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngoại thương - Ngân hàng Nhà nước số 13-TT/LB ngày 10/7/1974 hướng dẫn thi hành chương V "Trả tiền hàng nhập khẩu".

Những quy định này còn căn cứ vào các chế độ về quản lý vốn, quản lý vật tư, tài sản hàng hoá, quản lý ngoại tệ về chế độ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong tình hình mới.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Thiện Thi