• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/07/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2003
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-TRUNG ƯƠNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH
Số: 16/1999/TTLT/BLĐTBXH-TWĐTNCSHCM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 1999

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong

đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến

Thi hành Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;

Sau khi thoả thuận với Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

1. Đối tượng

Thanh niên xung phong được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Điều 1 của Quyết định 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 là người tham gia lực lượng thanh niên xung phong tập trung trong kháng chiến từ ngày 15 tháng 7 năm 1950 đến 30 tháng 4 năm 1975. Thanh niên xung phong tập trung được hiểu như sau:

- Được hưởng theo chế độ cung cấp của thanh niên xung phong hoặc được chế độ như đối với quân nhân;

- Được tổ chức theo đội hình đại đội, đội, tổng đội hoặc phân đội, tiểu đội;

- Có quy định thời gian phục vụ theo nhiệm kỳ là 03 năm.

Những đối tượng nêu dưới đây không thuộc phạm vi quy định của quyết định:

- Dân công hoả tuyến, dân công thời chiến;

- Công nhân vận tải phục vụ thời chiến;

- Người dân thực hiện nghĩa vụ lao động tại địa phương;

- Những thanh niên xung phong bị kết án tù trên 5 năm (người bị kết án tù 5 năm trở xuống thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù sẽ được xem xét);

- Những trường hợp tự bản thân thanh niên xung phong gây nên bị thương hoặc chết;

- Thanh niên xung phong thời kỳ sau 30 tháng 4 năm 1975.

2. Điều kiện.

2.1. Đối với người bị thương hoặc hy sinh quy định tại khoản 1, Điều 2 của Quyết định:

Thanh niên xung phong bị thương có vết thương thực thể được xem xét xác nhận là người hưởng chính sách như thương binh hoặc hy sinh được xem xét xác nhận là liệt sĩ là những người bị thương hoặc hy sinh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 25 hoặc Điều 11 Nghị định 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ và theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH--BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Thông tư 16).

2.2. Đối với người được hưởng trợ cấp quy định tại khoản 3 và khoản 4, Điều 2 của Quyết định:

Thanh niên xung phong được xét hưởng trợ cấp quy định tại khoản 3 và khoản 4, Điều 2 của Quyết định là người sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ trong lực lượng thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến mà nay sức khoẻ suy yếu, đau ốm, bệnh tật hoặc chưa phục vụ đủ nhiệm kỳ, được phép của tổ chức cho về địa phương, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân không thuộc diện hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh. Cụ thể là:

- Người không còn khả năng lao động, hiện sống cô đơn không nơi nương tựa, không có chồng hoặc vợ, không có người thân đảm bảo việc nuôi dưỡng hoặc có người thân nhưng người thân này cũng thực sự gặp hoàn cảnh khó khăn thì được xét hưởng trợ cáp hàng tháng mức tương đương 12 kg gạo (theo giá thời điểm tại thị trường địa phương) theo Quyết định số 167/TTg ngày 8 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ, do ngân sách địa phương bảo đảm, đồng thời được xét hưởng trợ cấp một lần bằng 1.500.000đ/người (một triệu năm trăm ngàn đồng) do ngân sách trung ương đảm bảo.

- Người bị ốm đau kéo dài, không còn khả năng lao động, gia đình thuộc diện hộ "xoá đói giảm nghèo" ở địa phương thì được xét hưởng trợ cấp một lần bằng 1.500.000 đ/người (một triệu năm trăm ngàn đồng) do ngân sách trung ương đảm bảo.

II. THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM LẬP THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH

1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương

1.1. Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh uỷ quyền cho tỉnh Đoàn, thành Đoàn (Bí thư hoặc Phó bí thư) cấp giấy chứng nhận bị thương đối với thanh niên xung phong tập trung thuộc Trung ương Đoàn tổ chức quản lý hiện đang công tác hoặc sinh sống tại địa phương.

1.2. Tỉnh Đoàn, thành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận bị thương đối với thanh niên xung phong tập trung thuộc địa phương quản lý.

1.3. Bộ Giao thông vận tải cấp giấy chứng nhận bị thương đối với thanh niên xung phong tập trung phục vụ và chịu sự quản lý của ngành Giao thông vận tải.

2. Giới thiệu giám định thương tật

2.1. Đối với những thanh niên xung phong bị thương do Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy chứng nhận bị thương thì Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm giới thiệu (kèm hồ sơ) đến giám định thương tật tại Hội đồng Giám định y khoa ngành Giao thông Vận tải. Đồng thời thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người bị thương cư trú biết để phối hợp giải quyết.

2.2. Đối với thanh niên xung phong bị thương do tỉnh Đoàn, thành Đoàn cấp giấy chứng nhận bị thương thì tỉnh Đoàn, thành Đoàn chịu trách nhiệm giới thiệu (kèm hồ sơ) đến Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, thành phố để giám định thương tật. Đồng thời thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người bị thương cư trú biết để phối hợp giải quyết.

3. Hồ sơ thương binh:

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương đối với thanh niên xung phong có trách nhiệm lập và hoàn chỉnh hồ sơ, gồm:

3.1. Bản khai cá nhân (mẫu số 01/TB) có xác nhận và đề nghị của cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi đang công tác hoặc cư trú.

3.2. Giấy chứng nhận bị thương (mẫu số 02/TB).

Căn cứ để cấp giấy chứng nhận bị thương là những giấy tờ cũ liên quan đến trường hợp bị thương như: phiếu chuyển thương, chuyển viện, bệnh án, giấy ra viện, phiếu sức khoẻ, lý lịch cũ... Nếu không còn những giấy tờ cũ nói trên phải có 2 người cùng tiểu đội, phân đội, đội, đại đội lúc bị thương chứng nhận về trường hợp bị thương và phải được cơ quan, đơn vị hoặc địa phương căn cứ lý lịch, các giấy tờ gốc chứng minh là thanh niên xung phong của người làm chứng xác nhận, hoặc kèm theo lý lịch (bản sao công chứng) của người xác nhận.

3.3. Biên bản giám định thương tật do Hội đồng Giám định y khoa có thẩm quyền cấp (mẫu số 03/TB).

3.4. Giấy chứng nhận thanh niên xung phong (có thể dùng một trong số các loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong; thẻ đội viên; lý lịch cũ có ký tên, đóng dấu của Ban chỉ huy đội thanh niên xung phong) hoặc giấy chứng nhận kỷ niệm chương thanh niên xung phong (bản sao có công chứng).

4. Thủ tục giải quyết quyền lợi đối với người bị thương

Sau khi nhận được kết quả giám định thương tật của Hội đồng Giám định y khoa, cơ quan đơn vị giới thiệu đi giám định lưu giữ biên bản giám định (bản sao) đồng thời tiến hành làm thủ tục di chuyển toàn bộ hồ sơ đến sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi thanh niên xung phong cư trú để kiểm tra, lập bản trích lục hồ sơ thương tật (mẫu số 04/TB) và nếu đủ điều kiện thì giải quyết quyền lợi theo quy định tại điểm 3, Mục IV, Phần B Thông tư 16 (không thực hiện khoản 3, Điều 30, Nghị định 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ).

Những hồ sơ do Bộ Giao thông vận tải, Trung ương Đoàn, tỉnh Đoàn, thành Đoàn chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chưa giám định hoặc đã giám định sau ngày 31 tháng 10 năm 1997 theo Công văn số 3689/TBLS-CV ngày 15 tháng 10 năm 1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì chuyển lại cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

III. THẨM QUYỀN TRÁCH NHIỆM LẬP HỒ SƠ LIỆT SĨ  VỀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

1. Thẩm quyền

Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Đoàn, thành Đoàn cấp giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ đối với người hy sinh là thanh niên xung phong thuộc quyền quản lý sử dụng như đối với việc cấp giấy chứng nhận bị thương quy định tại điểm 1, Mục II của Thông tư này.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ

Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ có trách nhiệm lập hồ sơ chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thân nhân người hy sinh cư trú, gồm:

2.1. Đơn phát hiện và đề nghị của gia đình, kèm theo giấy chứng nhận của hai người biết trường hợp hy sinh (người biết sự việc cùng đơn vị từ tiểu đội, phân đội, đội, đại đội trở xuống hoặc cùng cơ quan) nói rõ lúc đó làm gì, ở đâu, lý do biết trường hợp hy sinh và có xác nhận của cơ quan quản lý hồ sơ, lý lịch nơi đang công tác hoặc Uỷ ban nhân dân xã (phường) về chữ ký, về chức vụ đảm nhiệm trong thời gian cùng đơn vị, cơ quan với người hy sinh.

2.2. Biên bản phiên họp tập thể hội đồng xác nhận xã (phường) nơi có người hy sinh gồm đại diện: Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Ban thương binh xã hội, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong (nếu có) (mẫu số 02/LS) gồm 2 bản.

2.3. Giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ (mẫu số 01/LS) gồm 4 bản.

2.4. Giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ do Uỷ ban nhân dân xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú lập (mẫu số 03/LS) 02 bản.

3. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Thực hiện như quy định tại điểm 2, Mục III, Phần A Thông tư 16.

4. Giải quyết quyền lợi:

Thực hiện như quy định tại Mục IV, Phần A Thông tư 16.

IV. TRÁCH NHIỆM LẬP HỒ SƠ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 3 VÀ KHOẢN 4, ĐIỀU 2 CỦA QUYẾT ĐỊNH

1. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền

- Tỉnh Đoàn, thành Đoàn có trách nhiệm phát hiện, lập hồ sơ, xét duyệt các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và trợ cấp một lần quy định tại khoản 3 và khoản 4, Điều 2 Quyết định 104/1999/QĐ-TTg, sau đó đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ thời kỳ kháng chiến.

2. Hồ sơ:

- Giấy chứng nhận thanh niên xung phong (có thể dùng một trong số các loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong; thẻ đội viên; lý lịch cũ có ký tên, đóng dấu của Ban chỉ huy đội thanh niên xung phong) hoặc giấy chứng nhận kỷ niệm chương thanh niên xung phong (bản sao có công chứng);

- Bản khai quá trình tham gia kháng chiến trong lực lượng thanh niên xung phong (mẫu số 01/KK).

- Biên bản xác nhận và đề nghị của tập thể hội đồng xác nhận xã (phường) về hoàn cảnh gia đình và cá nhân thanh niên xung phong (mẫu số 02/KK).

- Quyết định trợ cấp một lần (mẫu số 03/KK) trợ cấp hàng tháng (mẫu số 04/KK) của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Sau khi hoàn thành thủ tục hồ sơ, tỉnh đoàn, thành đoàn lưu giữ 01 bộ, chuyển 01 bộ hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thanh niên xung phong cư trú để lưu giữ và làm thủ tục giải quyết quyền lợi.

3. Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố.

Tiếp nhận hồ sơ do tỉnh Đoàn, thành Đoàn bàn giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố kiểm tra lại hồ sơ thực hiện việc chi trả trợ cấp một lần, quy trình cấp phát như đối với người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người tham gia kháng chiến hưởng trợ cấp một lần và lập 03 danh sách (mẫu số 05 KK), 05 biểu tổng hợp (mẫu số 06 KK) gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Thương binh - Liệt sĩ và người có công) thẩm định cho số quản lý trước khi thực hiện chế độ.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các tỉnh đoàn, thành đoàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong trong việc phát hiện, lập hồ sơ, danh sách đề nghị giải quyết những trường hợp bị thương, hy sinh trong kháng chiến; xem xét xác nhận cụ thể những đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 của Quyết định.

2. Thực hiện việc công khai dân chủ xét duyệt và nhất thiết phải thông báo cho nhân dân địa phương (xã, phường, thị trấn) biết những trường hợp đủ điều kiện và những trường hợp không đủ điều kiện giải quyết.

3. Trợ cấp thương tật hàng tháng được hưởng thống nhất từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ mất sức lao động do thương tật theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

4. Trợ cấp tiền tuất được thực hiện từ ngày Thủ tướng Chính phủ cấp bằng "Tổ quốc ghi công".

5. Trợ cấp hàng tháng của những người quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

6. Việc xác nhận thương binh, liệt sĩ là thanh niên xung phong theo quy định tại khoản 1, Điều 2 của Quyết định số 104/QĐ-TTg sẽ kết thúc trước ngày 31 tháng 12 năm 2000.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có gì vướng mắc thì các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các tỉnh Đoàn, thành Đoàn phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn để kịp thời xử lý.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Đình Liêu

Hoàng Bình Quân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.