• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/10/2017
BỘ CÔNG AN
Số: 26/2017/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2017

THÔNG TƯ

 Quy định về chỉ huy, điều khiển

giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông

 

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2014;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, phương thức, trình tự chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông).

2. Công an các đơn vị, địa phương.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm cho người, phương tiện tham gia giao thông đi lại trật tự, an toàn và thông suốt. Chiều đường có nhiều phương tiện thì mở đường trước và dành nhiều thời gian, chiều đường có ít phương tiện thì mở đường sau và dành ít thời gian; chiều đường có xe cơ giới thì mở đường trước chiều đường có xe thô sơ. Trường hợp có xe được quyền ưu tiên phải mở đường cho xe ưu tiên trước, căn cứ theo thứ tự quyền ưu tiên của các xe để mở đường.

3. Bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động chỉ huy, điều khiển giao thông trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phục vụ tốt công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân.

4. Bảo đảm thực hiện đúng Điều lệnh Công an nhân dân và quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

5. Trường hợp gặp xe, đoàn xe chở các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và khách nước ngoài có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) trừ khi đang thực hiện động tác chỉ huy, điều khiển giao thông.

Điều 4. Yêu cầu, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Yêu cầu

a) Nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Thực hiện đúng, đầy đủ và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công; quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.

2. Tiêu chuẩn

a) Có trình độ Trung cấp Công an nhân dân hoặc tương đương trở lên. Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan tốt nghiệp các trường ngoài ngành Công an phải đã qua lớp bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ Công an nhân dân theo quy định;

b) Đã được tập huấn nghiệp vụ công tác chỉ huy, điều khiển giao thông theo chương trình, nội dung của Cục Cảnh sát giao thông.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông và trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát khác

1. Nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

a) Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh); kế hoạch hoặc phương án của Trưởng phòng hướng dẫn tổ chức, điều khiển giao thông và dẫn đoàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Cảnh sát giao thông), Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Trưởng Công an cấp huyện);

  b) Chỉ huy, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông, địa bàn được phân công theo quy định;

c) Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

d) Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông, tổ chức cấp cứu người bị nạn và phối hợp giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật;

đ) Phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;

e) Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự, an toàn xã hội để kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

2. Quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

a) Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Trong phạm vi, địa bàn được phân công hoặc theo kế hoạch, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền được dừng phương tiện có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện, giấy tờ của người điều khiển phương tiện và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát (nếu người đó có hành vi vi phạm pháp luật) theo quy định của pháp luật;

c) Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

d) Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông;

đ) Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã và lực lượng có liên quan

a) Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Công an phường và Công an xã có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi được yêu cầu;

b) Các lực lượng Cảnh sát khác và lực lượng có liên quan khi được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các nút giao thông, các điểm phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, có trách nhiệm hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến theo sự phân công của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông;

 c) Lực lượng Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi nhận được thông báo của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông về vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm hoặc sự cố liên quan đến cháy, nổ phương tiện phải kịp thời có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trang thiết bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Ngoài trang phục, trang thiết bị, phương tiện quy định cho Cảnh sát giao thông, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được trang bị tối thiểu:

a) Còi, gậy chỉ huy giao thông, găng tay trắng; áo phản quang; áo mưa Cảnh sát giao thông và ủng đi mưa;

b) Xe môtô, bộ đàm cá nhân; súng, dùi cui điện, khóa số tám, loa pin cầm tay và hộp sơn đánh dấu hiện trường;

c) Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo quy định của Bộ Công an.

2. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật và Bộ Công an.

3. Vị trí đeo vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông thực hiện theo mẫu số 02A, 02B, 02C ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Bục điều khiển giao thông và ô che mưa, nắng (hình dáng, kích thước, màu sắc của bục và ô che mưa, nắng theo mẫu số 03A, 03B, 03C, 03D ban hành kèm theo Thông tư này). Việc trang bị bục điều khiển giao thông và ô che mưa, nắng tại các nút giao thông do Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định.

Điều 7. Phương thức hoạt động của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Chỉ huy, điều khiển giao thông tại nút giao thông.

2. Chỉ huy, điều khiển giao thông tại một vị trí hoặc một khu vực trên đường giao thông khi xảy ra ùn tắc giao thông.

3. Chỉ huy, điều khiển giao thông tại khu vực diễn ra các sự kiện, lễ hội, hội nghị.

Điều 8. Các biểu mẫu trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông

Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông, như sau:

1. Mẫu động tác chào (mẫu số 01).

2. Mẫu vị trí đeo công cụ hỗ trợ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông (mẫu số 02A, 02B, 02C).

3. Mẫu hình dáng, kích thước, màu sắc của bục và ô che mưa, nắng (mẫu số 03A, 03B, 03C, 03D).

4. Mẫu kế hoạch bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy điều khiển giao thông; sổ báo cáo kết quả ca công tác chỉ huy, điều khiển giao thông (mẫu số 04A, 04B).

5. Mẫu động tác báo hiệu cấm đường (mẫu số 05A, 05B, 05C).

6. Mẫu động tác báo hiệu mở đường (mẫu số 06A, 06B, 06C).

7. Mẫu động tác báo hiệu bên phải đi nhanh hơn (mẫu số 07).

8. Mẫu động tác báo hiệu bên trái đi nhanh hơn (mẫu số 08).

9. Mẫu động tác báo hiệu bên phải đi chậm lại (mẫu số 09A, 09B).

10. Mẫu động tác báo hiệu bên trái đi chậm lại (mẫu số 10A, 10B).

11. Mẫu động tác báo hiệu bên phải dừng lại (mẫu số 11).

12. Mẫu động tác báo hiệu bên trái dừng lại (mẫu số 12).

13. Mẫu động tác báo hiệu cho phương tiện rẽ trái qua mặt (mẫu số 13A, 13B, 13C).

Chương II

TRÌNH TỰ CHỈ HUY, ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

Điều 9. Xây dựng và triển khai kế hoạch công tác chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Căn cứ kế hoạch của cấp trên và tình hình thực tế về trật tự, an toàn giao thông, yêu cầu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở từng địa bàn, các đơn vị Cảnh sát giao thông xây dựng kế hoạch công tác, bố trí lực lượng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông (theo mẫu số 04A ban hành kèm theo Thông tư này). Việc bố trí lực lượng phải phù hợp với tình hình, đặc điểm tại từng vị trí, nút giao thông cụ thể. Đối với các vị trí, nút giao thông bố trí từ 02 Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông trở lên, phải phân công 01 đồng chí làm Tổ trưởng, các đồng chí còn lại làm Tổ viên.

2. Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông trước khi thực hiện nhiệm vụ phải nắm vững nội dung kế hoạch, vị trí được phân công; chuẩn bị đầy đủ và kiểm tra kỹ các phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, biểu mẫu biên bản, tài liệu liên quan và những trang thiết bị khác phục vụ cho công tác chỉ huy, điều khiển giao thông.

3. Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải có mặt tại vị trí làm nhiệm vụ trước 10 phút để nắm tình hình trật tự, an toàn giao thông và nhận những vụ, việc phải giải quyết tiếp do ca trước bàn giao (nếu có); kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu, nếu hệ thống đèn tín hiệu hoạt động không bình thường thì báo cáo ngay chỉ huy đơn vị hoặc Trung tâm điều khiển giao thông biết để khắc phục. Khi hết ca công tác mà tình hình trật tự, an toàn giao thông còn phức tạp (ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông…) thì báo cáo chỉ huy đơn vị biết để chỉ đạo và tiếp tục phối hợp với Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông của ca tiếp theo giải quyết cho đến khi tình hình trật tự, an toàn giao thông trở lại bình thường.

4. Kết thúc ca công tác, Tổ trưởng hoặc Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông (khi có 01 Cảnh sát) phải tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả công tác (theo mẫu số 04B ban hành kèm theo Thông tư này) và bàn giao các trang thiết bị, hồ sơ vụ việc với chỉ huy hoặc trực ban đơn vị.

Điều 10. Bố trí và phân công nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Bố trí lực lượng làm nhiệm vụ tại nút giao thông

a) Nút giao thông có 01 Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

 Trường hợp trật tự, an toàn giao thông tại nút giao thông bình thường, phải đứng ở vị trí thuận lợi, dễ theo dõi và quan sát để hướng dẫn người tham gia giao thông đi lại trật tự, an toàn, đúng quy định;

Trường hợp tại nút giao thông có diễn biến phức tạp, phải đứng ở vị trí trung tâm nút, nếu nút giao thông có bục thì phải đứng trên bục để chỉ huy, điều khiển giao thông.

b) Nút giao thông có từ 02 Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông trở lên

Tổ trưởng có nhiệm vụ chỉ huy, điều hành và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Tổ công tác; phân công vị trí cụ thể cho từng Tổ viên. Khi đèn tín hiệu giao thông hoạt động không bình thường hoặc mật độ phương tiện tham gia giao thông đông thì tự mình hoặc phân công đồng chí Tổ viên đứng ở vị trí trung tâm nút giao thông, nếu nút giao thông có bục thì phải đứng trên bục để chỉ huy, điều khiển giao thông; chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định; thực hiện chế độ thông tin liên lạc, báo cáo với các cơ quan, đơn vị và cấp trên khi cần thiết;

 Tổ viên đứng ở mép đường ngang vạch dừng hoặc giữa tim đường ngang vạch dừng (đứng ở chiều đường chính, có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông hoặc phức tạp về trật tự, an toàn giao thông); khi thay đổi tín hiệu đèn, thì tuỳ tình hình phức tạp của các chiều đường mà Tổ viên có thể di chuyển vị trí sang chiều đường đó. Tổ viên có nhiệm vụ điều hành, hướng dẫn người tham gia giao thông đi lại trật tự, an toàn theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu hoặc hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đứng ở vị trí trung tâm nút giao thông hoặc trên bục; phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông và giải quyết ban đầu các vụ vi phạm pháp luật hoặc tai nạn giao thông theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng phân công.

c) Khi làm nhiệm vụ hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến tại nút giao thông, phạm vi hoạt động của Cảnh sát chỉ huy điều khiển giao thông là từ trung tâm nút giao thông đến các vạch dừng xe hoặc đường giới hạn phạm vi nơi giao nhau. Trường hợp có các vụ việc liên quan đến trật tự, an toàn xã hội hoặc tai nạn, ùn tắc giao thông xảy ra bên ngoài khu vực nút giao thông, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải phối hợp với các lực lượng khác, như: Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113, Công an phường, xã… để giải quyết.

2. Bố trí lực lượng tại một vị trí hoặc một khu vực trên đường giao thông khi xảy ra ùn tắc giao thông

Căn cứ vào tình hình và mức độ ùn tắc để bố trí lực lượng chỉ huy, điều khiển giao thông tại các vị trí trên đường giao thông. Việc bố trí lực lượng thực hiện theo quy định sau:

a) Bố trí lực lượng tại các điểm phân luồng ở vòng ngoài cùng về phía ùn tắc. Tại các điểm này các lực lượng được phân công có nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng giao thông hoặc tạm dừng các phương tiện từ xa theo phương án phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông hoặc theo chỉ đạo của cấp trên để hạn chế các phương tiện đi vào khu vực ùn tắc, tạo điều kiện cho các phương tiện đi từ khu vực ùn tắc ra;

b) Bố trí lực lượng trên dọc tuyến về phía khu vực ùn tắc để điều khiển, hướng dẫn giao thông, không cho các phương tiện lấn chiếm phần đường của nhau và nhanh chóng giải tỏa từ ngoài đến khu vực ùn tắc, tạo điều kiện cho xe cứu hộ, cứu nạn và các lực lượng nhanh chóng tiếp cận hiện trường để giải tỏa các xung đột, chướng ngại vật, phương tiện hư hỏng, tai nạn giao thông, các nguyên nhân gây ra ùn tắc.

3. Bố trí lực lượng tại khu vực diễn ra sự kiện, lễ hội và hội nghị

Căn cứ vào tình hình thực tế về trật tự, an toàn giao thông, yêu cầu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quy mô, tính chất, mức độ quan trọng của sự kiện, lễ hội, hội nghị được tổ chức. Các đơn vị Cảnh sát giao thông tổ chức khảo sát và xây dựng kế hoạch hoặc phương án bố trí lực lượng để hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến tại các nút giao thông, các điểm phức tạp về trật tự, an toàn giao thông trong khu vực tổ chức sự kiện, lễ hội, hội nghị và trên các tuyến đường xung quanh bảo đảm giao thông trật tự, an toàn, thông suốt.

Điều 11. Sử dụng âm hiệu còi trong chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại.

2. Một tiếng còi ngắn, nhanh là cho phép đi.

3. Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn cho phép rẽ trái qua mặt.

4. Hai tiếng còi ngắn, mạnh là báo hiệu đi chậm lại.

5. Ba tiếng còi ngắn, nhanh là báo hiệu đi nhanh lên.

6. Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm soát hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.

Âm hiệu còi được sử dụng kết hợp với động tác chỉ huy, điều khiển giao thông.

Điều 12. Động tác chỉ huy, điều khiển giao thông

1. Động tác báo hiệu cấm đường (theo mẫu số 05A, 05B, 05C ban hành kèm theo Thông tư này)

a) Đứng nghiêm;

b) Thổi 01 tiếng còi dài, mạnh; đồng thời, tay phải cầm gậy quay từ từ về phía trước theo chiều kim đồng hồ và giơ tay thẳng lên, lòng bàn tay hướng vào trước đỉnh đầu, gậy thẳng đứng, tay trái buông thẳng theo đường chỉ quần, động tác này có hiệu lực cấm đi đối với tất cả người và phương tiện tham gia giao thông ở tất cả các chiều đường;

Trường hợp người và phương tiện tham gia giao thông còn đang đi ở trong phạm vi nút giao thông thì cho phép nhanh chóng đi khỏi nút giao thông. Ở nút giao thông có quy định vị trí dừng cho người và phương tiện thì phải dừng lại đúng vị trí quy định.

2. Động tác báo hiệu mở đường (theo mẫu số 06A, 06B, 06C ban hành kèm theo Thông tư này)

Sau hiệu lệnh cấm đường (khi người và phương tiện tham gia giao thông trong phạm vi nút giao thông đã đi qua hết, trừ nút có quy định vị trí dừng cho người và các phương tiện phải dừng), phải tiến hành hiệu lệnh mở đường, thời gian tùy lưu lượng và tình hình giao thông ở các chiều đường. Động tác mở đường là hiệu lệnh cho người và phương tiện tham gia giao thông ở bên phải và bên trái của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được đi, người và phương tiện tham gia giao thông từ phía trước và sau của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải dừng lại. Trình tự động tác báo hiệu như sau:

a) Tư thế cấm đường;

b) Thổi 01 tiếng còi ngắn, nhanh; đồng thời, tay trái từ từ đưa lên, tay phải cầm gậy quay từ từ về phía trước mặt ngược chiều kim đồng hồ cho đến khi hai tay giang ngang bằng vai, tay phải cầm gậy tạo thành một đường thẳng song song với mặt đất, lòng bàn tay úp xuống. Khi thực hiện xong động tác mở đường Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông có thể bỏ một tay xuống.

3. Động tác báo hiệu cho bên phải đi nhanh hơn (theo mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này)

Từ tư thế mở đường, gập cánh tay phải cầm gậy từ khuỷu tay đến bàn tay từ từ về phía trước ngực, cánh tay phải và gậy thẳng, sau đó duỗi ra như động tác mở đường, tay gập đi gập lại ít nhất 03 lần, mỗi lần kết hợp với 03 tiếng còi ngắn, nhanh, mắt hướng về bên phải.

4. Động tác báo hiệu cho bên trái đi nhanh hơn (theo mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này)

Từ tư thế mở đường, gập cánh tay trái từ khuỷu tay đến bàn tay từ từ về phía sau gáy, tay hơi chếch lên, lòng bàn tay hướng vào gáy, sau đó lại duỗi ra như động tác mở đường, tay gập đi gập lại ít nhất 03 lần, mỗi lần kết hợp với 03 tiếng còi ngắn, nhanh, mắt hướng về bên trái.

5. Động tác báo hiệu cho bên phải đi chậm lại (theo mẫu số 09A, 09B ban hành kèm theo Thông tư này)

Từ tư thế mở đường, tay phải cầm gậy kéo về ngang thắt lưng, gậy buông thẳng theo đường chỉ quần, lòng bàn tay phải úp xuống, đưa lên đưa xuống ít nhất 03 lần, mỗi lần kết hợp với 02 tiếng còi ngắn, mạnh, mắt hướng về bên phải.

6. Động tác báo hiệu cho bên trái đi chậm lại (theo mẫu số 10A, 10B ban hành kèm theo Thông tư này)

Từ tư thế mở đường, tay trái kéo về ngang thắt lưng, lòng bàn tay úp xuống, đưa lên đưa xuống ít nhất 03 lần, mỗi lần kết hợp với 02 tiếng còi ngắn, mạnh, mắt hướng về phía bên trái.

7. Động tác báo hiệu cho bên phải dừng lại (theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư này)

Từ tư thế mở đường, tay phải cầm gậy, cổ tay quay từ từ theo hướng thẳng đứng và vuông góc với cánh tay, kết hợp 01 tiếng còi dài, mạnh, báo hiệu cho phương tiện bên phải dừng lại, mắt hướng về bên phải.

8. Động tác báo hiệu cho bên trái dừng lại (theo mẫu số 12 ban hành kèm theo Thông tư này)

Từ tư thế mở đường, lòng bàn tay trái hướng về phía bên trái, kết hợp 01 tiếng còi dài, mạnh, báo hiệu cho phương tiện bên trái dừng lại, mắt hướng về phía bên trái.

9. Động tác báo hiệu cho phương tiện rẽ trái qua mặt (theo mẫu số 13A, 13B, 13C ban hành kèm theo Thông tư này)

a) Từ tư thế mở đường, tay phải cầm gậy đưa từ từ về phía trước giơ thẳng ngang vai, lòng bàn tay úp xuống, kết hợp 01 tiếng còi dài mạnh. Tay trái đưa từ từ về phía trước mặt, tay thẳng, lòng bàn tay trái ở tư thế úp từ từ lật nghiêng đến thẳng đứng, tay đưa đi đưa lại ít nhất 03 lần, mỗi lần kết hợp 01 tiếng còi ngắn, mắt hướng về phía bên trái, nơi có phương tiện được phép rẽ trái qua mặt;

b) Với tư thế này, các loại phương tiện, người đi bộ từ phía bên phải và phía sau Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông đều phải dừng lại; phía trước, các loại phương tiện được phép rẽ phải; phía bên trái Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông các loại phương tiện được phép đi tất cả các hướng.

 

Chương III

GIẢI QUYẾT MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

TRONG KHI LÀM NHIỆM VỤ CHỈ HUY, ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

Điều 13. Giải quyết các vụ ùn tắc giao thông

1. Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải nắm chắc phương án phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông trên các nút, tuyến đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Khi xảy ra ùn tắc giao thông không nghiêm trọng tại nút, tuyến giao thông phải căn cứ tình hình thực tế và phương án phòng ngừa giải quyết ùn tắc giao thông để phân luồng, phân tuyến, tách dòng phương tiện, tiến hành mở đường, cấm các chiều đường cho phù hợp. Trường hợp vượt quá khả năng, không tự giải quyết được thì phải báo cáo ngay chỉ huy đơn vị biết để tăng cường lực lượng, phân luồng từ xa, giải quyết kịp thời không để xảy ra ùn tắc kéo dài.

3. Khi xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng có liên quan đến nhiều nút giao thông, tuyến giao thông hoặc khu vực phải thực hiện theo quy định sau:

a) Nhanh chóng xác định nguyên nhân, địa điểm, thời gian và mức độ ùn tắc giao thông; báo cáo ngay chỉ huy đơn vị để chỉ đạo tăng cường lực lượng, phương tiện, phối hợp với các đơn vị chức năng phân luồng từ xa theo phương án phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông;

b) Chủ động, nhanh chóng hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến, nắn dòng phương tiện cho phù hợp nhằm hạn chế mức độ ùn tắc giao thông.

4. Trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và trên diện rộng, liên quan đến các địa phương liền kề, Phòng Cảnh sát giao thông nơi xảy ra sự việc có trách nhiệm báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh và thông báo trực tiếp cho Phòng Cảnh sát giao thông liền kề có liên quan đến sự việc để bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp phân luồng, phân tuyến từ xa, không để cho các phương tiện đi vào khu vực xảy ra ùn tắc giao thông. Đồng thời, báo cáo Cục Cảnh sát giao thông để thống nhất chỉ đạo toàn tuyến.

Điều 14. Giải quyết tai nạn giao thông

1. Khi phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ hoặc nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải báo cáo ngay cho chỉ huy đơn vị trực tiếp của mình và thông báo cho trực ban của đơn vị có thẩm quyền thụ lý, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

2. Tổ chức cấp cứu nạn nhân, xác định phạm vi hiện trường cần bảo vệ và tổ chức bảo vệ hiện trường, đánh dấu vị trí nạn nhân, vị trí phương tiện và dấu vết có liên quan; trường hợp nạn nhân đã chết thì để nguyên tại hiện trường, nếu nạn nhân chết ở vị trí có thể gây cản trở, ùn tắc giao thông thì nhanh chóng đánh dấu vị trí, đưa nạn nhân đến vị trí thích hợp và che đậy cẩn thận; đồng thời, đưa phương tiện vào vị trí thích hợp không gây cản trở giao thông.

3. Giải tán người và phương tiện tụ tập gây cản trở giao thông. Nếu người và phương tiện giao thông đông có khả năng gây ùn tắc giao thông kéo dài và trên diện rộng, vượt quá khả năng giải quyết của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông thì báo cáo ngay cho chỉ huy đơn vị trực tiếp của mình biết để tăng cường lực lượng và tổ chức phân luồng từ xa.

4. Tạm giữ giấy tờ của người lái xe và phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn; tạm giữ và bảo vệ người lái xe gây tai nạn; giúp người lái xe bảo vệ xe và hàng hóa, đồ vật trên xe. Nếu phương tiện chở chất nổ, chất cháy, chất độc hại nguy hiểm, sau khi đánh dấu vị trí phương tiện tại hiện trường, yêu cầu lái xe hoặc đơn vị cứu hộ phối hợp với Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông nhanh chóng đưa phương tiện đó ra khỏi nơi xảy ra tai nạn, đến vị trí an toàn.

5. Yêu cầu chủ phương tiện, lái xe có mặt tại hiện trường khai báo các thông tin cơ bản có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn; xác định người biết sự việc để mời làm chứng, đề nghị họ viết báo cáo sự việc hoặc ghi lại lời khai, nếu họ không ở lại được thì đề nghị xuất trình giấy tờ tuỳ thân, ghi lại họ tên, địa chỉ, số điện thoại để liên hệ khi cần thiết.

6. Khi đơn vị chức năng đến giải quyết, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông có trách nhiệm trao đổi tình hình, bàn giao công việc đã thực hiện và phối hợp giải quyết vụ, việc (nếu có yêu cầu) theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.

7. Trường hợp va chạm giao thông thì đánh dấu vị trí phương tiện và các dấu vết có liên quan, yêu cầu hai bên xuất trình giấy tờ liên quan đến người và phương tiện; xem xét kỹ dấu vết va chạm và các chỗ hư hỏng; nghe hai bên trình bày nguyên nhân va chạm; xác định hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Giải quyết trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông; xe ô tô dừng, đỗ gây ùn tắc giao thông

1. Trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt

a) Giải thích ngắn gọn, rõ ràng cho người vi phạm thấy rõ hành vi vi phạm của mình và biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật để tự giác chấp hành;

b) Nếu người vi phạm không chấp hành thì tạm giữ giấy tờ, mời người vi phạm về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc hướng dẫn khiếu nại theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp xe ô tô dừng, đỗ gây ùn tắc giao thông

a) Yêu cầu lái xe xuất trình các giấy tờ có liên quan, đưa xe ra khỏi khu vực ùn tắc, lập biên bản và giải quyết theo quy định; đồng thời, tổ chức lực lượng hướng dẫn, điều khiển giao thông, giải tỏa ùn tắc giao thông;

b) Trường hợp lái xe đóng cửa bỏ đi hoặc không có mặt tại đó: ghi lại hình ảnh; báo cáo chỉ huy đơn vị điều động xe cẩu đến kéo xe đó ra khỏi khu vực ùn tắc, mời người làm chứng, dán niêm phong tại các vị trí cần thiết của xe và lập biên bản theo quy định; đồng thời, tổ chức lực lượng hướng dẫn, điều khiển giao thông, giải tỏa ùn tắc giao thông.

Điều 16. Giải quyết trường hợp xảy ra lũ, lụt, sự cố khác làm cản trở giao thông

1. Khi xảy ra lũ, lụt

a) Thông báo hoặc đặt biển báo hiệu cấm tạm thời, hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến cho người và phương tiện đi lại trật tự, an toàn, thông suốt;

b) Thông báo ngay cho cơ quan có chức năng, như: đơn vị quản lý công trình đô thị, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; cơ quan quản lý giao thông đường bộ biết để có biện pháp giải quyết kịp thời; đồng thời, báo cáo chỉ huy đơn vị để xin ý kiến chỉ đạo.

2. Trường hợp xe đang lưu thông trên đường bị hỏng đột ngột hoặc có chướng ngại vật ở lòng đường gây cản trở giao thông, phải yêu cầu lái xe, người tham gia giao thông hỗ trợ hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng di chuyển xe, chướng ngại vật đó ra khỏi lòng đường đưa vào vị trí thích hợp, bảo đảm cho phương tiện và người tham gia giao thông đi lại được an toàn, thông suốt.

Điều 17. Giải quyết trường hợp xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng làm cản trở giao thông

1. Sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận sự việc; đình chỉ ngay hành vi, thu hồi hung khí (nếu có), kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người có liên quan, tổ chức cấp cứu người bị nạn (nếu có); phối hợp với các lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định, không để xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự.

2. Giải tán đám đông (nếu có).

3. Lập biên bản ghi nhận vụ việc và yêu cầu những người có liên quan về trụ sở Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để giải quyết.

4. Trường hợp người vi phạm cố tình không chấp hành yêu cầu của Cảnh sát, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ thì thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Nếu gây ùn tắc giao thông thì xử lý theo quy định tại Điều 13 Thông tư này. Trường hợp nghiêm trọng vượt quá khả năng giải quyết của mình, thì báo cáo ngay về chỉ huy đơn vị để chỉ đạo; đồng thời, thông báo kịp thời cho Công an, chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc biết để phối hợp giải quyết.

Điều 18. Giải quyết một số trường hợp khác

Trường hợp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy; người vi phạm có hành vi lăng mạ, đe dọa, cản trở hoặc xô đẩy người thi hành công vụ; người điều khiển phương tiện đâm vào người hoặc phương tiện của người thi hành công vụ; phát hiện người phạm tội quả tang hoặc vi phạm của người lái xe có dấu hiệu tội phạm; trên xe hoặc những người có mặt trên xe vận chuyển, cất giấu chất nổ, vũ khí, hàng hoá trái phép; trường hợp giải quyết vụ, việc liên quan đến người nước ngoài, xe của người nước ngoài vi phạm trật tự an toàn giao thông, thì Cảnh sát chỉ huy điều khiển giao thông thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2017 và thay thế Thông tư số 28/2011/TT-BCA ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông của Cảnh sát giao thông đường bộ.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm

a) Chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện Thông tư này;

b) Chỉ đạo xây dựng phim giáo khoa, chương trình, kế hoạch, nội dung tập huấn nghiệp vụ công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ;

c) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Cảnh sát giao thông và các đơn vị Cảnh sát giao thông trên toàn quốc.

2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm: tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ  Cảnh sát giao thông thuộc địa phương quản lý theo nội dung tài liệu tập huấn do Cục Cảnh sát giao thông biên soạn.

3. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Giám đốc học viện, Hiệu trưởng trường Công an nhân dân; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để có hướng dẫn kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Tô Lâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.