• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/06/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 18/09/2015
BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 09/TC-NH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 2 tháng 6 năm 1994

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Về việc quản lý và sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế

_____________________________

  Căn cứ Nghị định 58/CP ngày 30/8/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài;

- Căn cứ vào Quy chế  của các tổ chức tín dụng quốc tế (TCTDQT), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ  các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Quỹ Kuwait (KUWAIT) và các qui định đã được thỏa thuận trong các hiệp định vay về việc sử dụng vốn vay của các tổ chức này;

Để triển khai sử dụng vốn vay theo các Hiệp định tín dụng phát triển hay Hiệp định vay vốn (gọi là Hiệp định vay) mà Ngân hàng Nhà nuớc đã thay mặt Chính phủ ký với  các TCTDQT, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nuớc thống nhất quy định như sau:

Điều 1:Về cơ chế quản lý chung

1.1 Tất cả các vốn vay của Chính phủ  từ các TCTDQT đều phải được tập trung vào Ngân sách Nhà nuớc, Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý  và trả nợ gốc và lãi.

1.2 Phần vốn vay cho các dự án phát triển  không có khả năng thu hồi vốn thì Bộ Tài chính quản lý và thông qua các Ngân hàng thương mại chuyển vốn cho các dự án phù hợp với cơ chế cấp phát hiện hành trong nước và hiệp định vay đã ký. Phần vốn vay cho các dự án có khả năng thu hồi vốn, Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp vay lại thông qua Ngân hàng thương mại được chọn.

Điều 2:Về tài khoản vay

 Tài khoản vay: Sau khi Hiệp định vay được ký kết bắt đầu có hiệu lực, các TCTDQT sẽ mở cho Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam một tài khoản vay tại các TCTDQT đó (gọi tắt là Tài khoản vay).  Tài khoản vay được ghi nợ để chi trả trực tiếp cho việc mua sắm các vật tư, máy móc thiết bị  (gọi tắt là hàng hóa) hoặc thuê thầu xây lắp và tư vấn tại nước ngoài hoặc trích chuyển từ tài khoản này vào Tài khoản đặc biệt (đối với trường hợp WB) hoặc Tài khoản ứng trước (đối với trường hợp ADB) theo yêu cầu của bên vay như quy định trong Hiệp định vay. Tài khoản vay sẽ được ghi nợ một khi Bên vay sử dụng vốn vay.

Điều 3:Về Tài khoản đặc biệt (WB) hoặc Tài khoản ứng trước (ADB)

3.1 Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nuớc sẽ mở cho một dự án vay vốn WB một tài khoản trung chuyển đứng tên dự án để tiếp nhận số tiền mà WB cho vay dưới hình thức ứng trước . Số tiền rút về tài khoản này sẽ đồng thời được chuyển toàn bộ sang tài khoản đặc biệt đứng tên chủ dự án mở tại Ngân hàng phục vụ được quy định tại điều 6.1 để thanh toán các chi phí của dự án bằng nội tệ và các khoản chi nhỏ bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định của Hiệp định vay.

3.2 Về Tài khoản ứng trước (ADB), Sở giao dịch sẽ mở cho mỗi dự án vay vốn ADB một tài khoản ứng trước đứng tên dự án để tiếp nhận số tiền mà ADB cho vay dưới hình thức ứng trước. Chủ dự án mở tại Ngân hàng phục vụ tài khoản dự án để nhận tiền từ tài khoản tạm ứng nói trên nhằm thanh toán các chi phí của dự án bằng nội tệ và các khoản chi nhỏ bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định của Hiệp định vay.

Điều 4:Quy định về trình tự rút vốn từ TCTDQT để tiến hành thanh toán trực tiếp hay để chuyển vào các tài khoản nói ở điều 3 như sau:

4.1 Đối với các khoản thanh toán trực tiếp

Trên cơ sở kế hoạch đã được Bộ Tài chính duyệt quy định tại điều 5.1, chủ dự án và Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm chuẩn bị đơn xin rút vốn từ tài khoản vay có kèm theo các hồ sơ và chứng từ cần thiết, một bộ hồ sơ cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và một bộ cho Ngân hàng nhà nuớc (Sở giao dịch) trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ xin rút vốn này, Bộ Tài chính phải có ý kiến phản hồi. Trong trường hợp được Bộ Tài chính chấp thuận, chủ dự án sẽ ký đơn xin rút vốn gửi TCTDQT. Sau khi rút vốn, chủ dự án phải báo cáo ngay cho Bộ Tài chính.

4.2 Rút vốn từ các TCTDQT để chuyển vào các tài khoản nói ở điều 3

Trên cơ sở kế hoạch đã được Bộ Tài chính duyệt quy định tại điều 5.1, chủ dự án và Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm chuẩn bị đơn xin rút vốn có kèm theo các hồ sơ và chứng từ cần thiết, một bộ gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại), một bộ gửi cho Ngân hàng nhà nuớc (Sở giao dịch). TRong thời gian 5 ngày làm việc, Bộ Tài chính kiểm tra, xác nhận và thông báo cho Ngân hàng nhà nuớc. Trên cơ sở xác nhận này của Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nuớc sẽ ký đơn xin rút vốn từ tài khoản vay để chuyển vào tài khoản thích hợp.

Điều 5:Quy định về quản lý và sử dụng tiền ở tài khoản đặc biệt, tài khoản ứng trước và tài khoản dự án

5.1 Hàng năm, chủ dự án và các doanh nghiệp vay lại (kể cả các Ngân hàng ) lập kế hoạch thực hiện dự án và sử dụng  vốn năm, có phân ra từng quý theo tiến độ thực hiện dự án và các thỏa thuận đã quy định tại các Hiệp định vay để gửi Bộ Tài chính xét duyệt trước khi tiến hành các thủ tục đấu thầu, mở thư tín dụng và xin rút vốn. Kế hoạch này cần ghi cụ thể:

a. Vốn vay TCTDQT

+ Số vốn thanh toán trực tiếp

+ Số vốn rút về tài khoản dặc biệt và tài khoản ứng trước;

   - Rút tiền từ tài khoản để chi cho các công việc hoặc mua bán trong nước bằng tiền Việt nam.

   - Rút tiền từ tài khoản để chi cho việc mua sắm thiết bị, vật tư ...  bằng ngoại tệ.

b. Vốn đối ứng trong nước

5.2 Trên cơ sở kế hoạch nói trên, hàng quý chủ dự án phải làm giấy đề nghị rút vốn (kèm theo chứng từ phù hợp với hiệp định vay đã ký với các TCTDQT) để Bộ Tài chính chuẩn y. Thời gian kiểm tra và chuẩn y không quá 5 ngày làm việc.

Căn cứ vào chuẩn y của Bộ Tài chính, trong trường hợp vốn vay ADB, Ngân hàng nhà nuớc sẽ làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản tạm ứng vào tài khoản dự án cho chủ dự án sử dụng (hoặc cho Ngân hàng thương mại nếu để cho vay lại).

Trường hợp chủ dự án sử dụng bằng tiền Việt nam thì Ngân hàng phục vụ chuyển đổi ngoại tệ này cho chủ dự án theo đúng chế độ quản lý ngoại hối.

Trong trường hợp các doanh nghiệp vay lại, thì Ngân hàng thương mại được chọn để cho vay lại phải ký hợp đồng vay vốn với Bộ Tài chính, các điều kiện vay lại được quy định cụ thể trong từng hợp đồng.

Điều 6:Ngân hàng phục vụ

6.1 Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nuớc phối hợp lựa chọn Ngân hàng thương mại để phục vụ cho các dự án vay, sau khi tham khảo ý kiến của các TCTDQT liên quan.

6.2 Ngân hàng phục vụ phải tuân thủ mọi quy định của Ngân hàng nhà nuớc , Bộ Tài chính và TCTDQT liên quan.

Điều 7:Về chế độ kiểm tra, kế toán

7.1 Các tài khoản đặc biệt, tài khoản ứng trước và tài khoản dự án sẽ được kiểm tra định kỳ phù hợp với chế độ kiểm soát nội bộ của hệ thống Ngân hàng.

7.2 Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nuớc và các TCTDQT sẽ thỏa thuận chọn cơ quan kiểm toán phù hợp với quy định của các TCTDQT để tiến hành công tác kiểm toán độc lập theo quy định của các tổ chức này.

Định kỳ hàng năm công ty kiểm toán được chọn sẽ kiểm tra toàn bộ tài khoản, sổ sách, các báo cáo tổng kết liên quan đến các tài khoản mở phục vụ cho việc thực hiện dự án và gửi xác nhận cho các TCTDQT theo các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế đồng thời báo cáo cho Bộ Tài chính biết. Bộ Tài chính có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động của các dự án.

Điều 8:Về việc hướng dẫn thực hiện

8.1 Ngân hàng nhà nuớc chịu trách nhiệm hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến việc lập kế hoạch rút vốn, quản lý vốn, chế độ báo cáo, quyết toán,... đối với các chủ dự án hoặc ngân hàng vay lại.

Điều 9:Tính hiệu lực và việc sửa đổi thông tư này

Thông tư này có hiệu lục từ ngày ký. Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nuớc có thể sửa đổi thông tư này nếu thấy cần thiết.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. THỐNG ĐỐC Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Phó Thống đốc

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Sinh Hùng

Lê Văn Châu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.