• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/11/1978
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 22 TT/LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 15 tháng 11 năm 1978

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Về việc khoá sổ thu, chi ngân sách cuối năm 1978 tại  cơ quan ngân hàng nhà nước các cấp.

___________________________

 Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước số 14 TT/LB ngày 25/11/1977 đã nêu rõ ý nghĩa, tác dụng, phạm vi đối tượng thi hành công việc khoá sổ thu, chi ngân sách cuối năm, đồng thời đã hướng dẫn những công việc mà tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp phải chuẩn bị trước khi Ngân hàng Nhà nước khoá sổ, quy định thời hạn khoá sổ và những công việc phải tiến hành sau khi Ngân hàng Nhà nước khoá sổ.

Toàn bộ nội dung và những thủ tục, biện pháp quy định trong Thông tư nói trên được tiếp tục thi hành trong dịp khoá sổ thu, chi ngân sách Nhà nước cuối năm 1978 và các năm sau. Thông tư này ấn định những thời hạn cụ thể áp dụng trong năm nay và hướng dẫn thêm một số điểm phù hợp với tình hình cụ thể của năm 1978.

I. THỜI HẠN KHOÁ SỔ, ĐIỆN BÁO, KÊ KHAI, THANH TOÁN VÀ BÁO CÁO.

1. Năm nay, việc khoá sổ thu, chi ngân sách tại cơ quan Ngân hàng Nhà nước các cấp trong cả nước đều thống nhất tiến hành vào 12 giờ ngày 31/12/1978. Vì ngày 31/12/1978 là chủ nhật Ngân hàng Nhà nước và cơ quan Tài chính sẽ làm việc cả ngày 31/12/1978 để tiến hành các công việc thu, chi, tất cả các ngành, các cấp đều phải khẩn trương chuẩn bị mọi mặt đảm bảo kết thúc nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 1978, không vì ngày chủ nhật cuối năm mà để ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch năm.

- Các Phòng, Trạm, các uỷ nhiệm thu thuế, các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã có thu tiền thuế hoặc tiền bán hàng trong ngày 31/12/1978 - bàn bạc trước với Ngân hàng Nhà nước nơi giao dịch để thu nộp ngân sách để tổ chức thu nhận những số tiền này trong ngày 31/12/1978 và hạch toán vào khoản nộp của ngân sách năm 1978.

2. Việc điện báo kết quả thu, chi, tồn quỹ ngân sách các cấp phát sinh trong ngày 31/12/1978 (và những ngày trước chưa điện, nếu có) phải được thực hiện theo thời hạn như sau:

- Từ Ngân hàng huyện hoặc tương đương về Ngân hàng tỉnh hoặc thành phố: nội trong ngày 2/1/1979.

- Từ Ngân hàng tỉnh hoặc thành phố về Ngân hàng Nhà nước Trung ương: nội trong ngày 3/1/1979.

- Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phía Nam (từ Quảng Nam Đà Nẵng trở vào) cần lưu ý: vừa điện về Ngân  hàng Nhà nước Trung ương ở thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ cho việc nắm tình hình quản lý ngân sách tại chỗ của Ngân hàng Nhà nước Trung ương ở Hà Nội để tổng hợp tình hình chung trong cả nước được đầy đủ và kịp thời.

3. Cơ quan Tài chính định ngày đình chỉ phê chuẩn hạn mức kinh phí, Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chuyển thông báo phân phối hạn mức kinh phí năm 1978.

a. Đối với ngân sách Trung ương:

- Bộ Tài chính đình chỉ phê chuẩn hạn mức kinh phí và Ngân hàng Nhà nước Trung ương đình chỉ chuyển thông báo phân phối hạn mức:

+ Từ 16 giờ ngày 20/12/1978 đối với các đơn vị dự toán Trung ương đóng từ Quảng Nam Đà Nẵng trở vào, và đóng ở Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Hà Tuyên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hoàng Liên sơn, Quảng Ninh cũng như đối với các khoản trợ cấp cho ngân sách các địa phương này.

+ Từ 16 giờ ngày 23/12/1978 đối với các đơn vị đóng ở các địa phương  khác trên miền Bắc (trừ Hà Nội) cũng như đối với các khoản trợ cấp cho ngân sách các địa phương đó.

+ Từ 16 giờ ngày 25/12/1978 đối với các đơn vị đóng ở Hà Nội.

Các đơn vị dự toán cấp II thuộc ngân sách Trung ương đóng ở phía Nam được quyền phân phối hạn mức cho các đơn vị  cấp III trực thuộc, cũng phải đình chỉ phân phối hạn mức theo thời hạn như sau:

- Từ 16 giờ ngày 23/12/1978 đối với đơn vị cấp III đóng ở tỉnh, thành phố khác nơi đóng trụ sở của đơn vị cấp II;

- Từ 16 giờ ngày 25/12/1978 đối với đơn vị cấp III đóng trong cùng một tỉnh, thành phố với đơn vị cấp II.

b. Đối với ngân sách địa phương:

Các Ty, Sở Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố quy định ngày giờ đình chỉ việc phê chuẩn, phân phối hạn mức và chuyển kinh phí cho các đơn vị thuộc ngân sách địa phương, phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương. Nguyên tắc là phải căn cứ thời gian luân chuyển giấy tờ từ nơi phê chuẩn hạn mức hay phân phối hạn mức đễn nơi nhận kinh phí, sao cho hạn mức kinh phí chuyển về đến cơ sở còn có thể sử dụng được kịp thời. Do đó đơn vị càng ở xã càng phải tính toán lo liệu sớm để không vì việc không đình chỉ phê chuẩn hạn mức, chuyển kinh phí của cơ quan Tài chính - Ngân hàng Nhà nước mà trở ngại, ảnh hưởng đến các mặt hoạt động của đơn vị.

4. Các đơn vị trực tiếp chi tiêu, không phân biệt thuộc ngân sách cấp nào, đều phải đình chỉ phát hành "Séc bảo chi", "Séc định mức" hoặc "Séc chuyển tiền" từ 16 giờ ngày 23/12/1978, bảo đảm cho séc đã phát hành có đủ thời gian quay trở lại Ngân hàng nơi lưu ký hạn mức trước ngày 31/12/1978.

5. Thời hạn thanh toán các tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước (các tài khoản 770, 771, 772, theo hệ thống tài khoản kế toán hiện hành của Ngân hàng Nhà nước ):

- Nộp vào ngân sách những khoản tiền có nguồn gốc từ vốn ngân sách, kể cả những thứ quỹ trái phép nếu có: chậm nhất là ngày 23/12/1978 các đơn vị phải làm đầy đủ thủ tục nộp ngân sách Nhà nước.

- Lập bảng kê những số dư các tài khoản tiền gửi, lấy xác nhận của Ngân hàng Nhà nước nơi mở tài khoản và đề nghị cơ quan Tài chính, cho chuyển sang năm sau: từ 26 đến 31/12/1978.

- Ngân hàng Nhà nước cơ sở chuyển nộp vào ngân sách tất cả các số dư tài khoản tiền gửi nói trên, nếu đơn vị không làm bảng kê khai đề nghị cơ quan Tài chính cho chuyển sang năm sau hoặc có kê khai nhưng được sự thoả thuận của cơ quan Tài chính: cuối ngày 31/12/1978.

- Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố lập bảng kê chi tiết những số tiền  của từng cơ quan, đơn vị, đã chuyển nộp vào ngân sách gửi cho Ty, Sở Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Trung ương, kèm theo báo cáo thu về ngày đã hạch toán số chuyển nộp đó.

- Ngân hàng Nhà nước Trung ương tổng hợp các bảng kê nói trên của tất cả các địa phương trong cả nước gửi đến Bộ Tài chính trước ngày 31/1/1979.

6. Chuẩn bị kinh phí chi tiêu đầu năm  1979.

Ngay trong tháng 12/1978 tất cả các Bộ, các ngành, các Ty, Sở chủ quản có trách nhiệm lập kế hoạch thu chi quý I/1979 quan hệ với cơ quan Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cung cấp, chuẩn bị mọi điều kiện để kịp có kinh phí quý I và tháng 1 năm 1979 cho bản thân cơ quan chủ quản và các đơn vị trực thuộc, đảm bảo cho mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất, xây dựng cơ bản hay hành chính sự nghiệp đều được tiến hành liên tục, không vì khoá sổ thu, chi ngân sách năm trước mà gặp khó khăn, trở ngại vào đầu năm sau.

Trong các tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước, nếu có số kinh phí thuộc ngân sách năm 1979 mà đơn vị được cấp trước ngay trong năm 1978, thì số kinh phí này mặc nhiên được chuyển sang để sử dụng vào đầu năm 1979. Ngân hàng Nhà nước cơ sở cần lưu ý để không chuyển nộp vào ngân sách năm 1978 những số kinh phí này.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG DỊP KHOÁ SỔ THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CUỐI NĂM 1978.

1. Trong năm 1978, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tiền ngân hàng mới, lưu hành thống nhất trong cả nước và thu đổi tiền ngân hàng cũ ở cả 2 miền, Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước số 72-b/TT/LB ngày 20/5/1978 đã quy định việc khoá sổ kế toán  ngân sách, chuyển sổ sau khi đổi tiền và lập các loại báo cáo kế toán, thanh toán hàng ngày, hàng tháng và quyết toán cả năm bằng tiền ngân hàng mới. Trong dịp khoá sổ thu, chi ngân sách cuối năm này, tất cả các cơ quan, đơn vị dự toán có trách nhiệm soát xét lại việc khoá sổ, chuyển sổ sau khi đổi tiền, kiểm tra và đối chiếu số liệu với Ngân hàng Nhà nước nơi giao dịch, đảm bảo có sự nhất trí giữa số liệu của mỗi cơ quan, đơn vị với số liệu của Ngân hàng Nhà nước, không những khớp đúng về tổng số thu hoặc chi, mà còn phải khớp đúng với từng loại, khoản, hạng, mục, theo mục lục ngân sách Nhà nước. Nếu có chênh lệch, cơ quan đơn vị phải phát hiện để xác minh về điều chỉnh lại  cho nhất trí và đúng chế độ, đúng với thực tế.

2. Tỷ lệ điều tiết các khoản thu của ngân sách Nhà nước cho ngân sách địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 133 TC/QLNS ngày 29/4/1978 của Bộ Tài chính được áp dụng cho ngân sách cả năm 1978. Do đó các tỉnh, thành phố chưa làm xong việc điều chỉnh lại số thu giữa các cấp ngân sách  trong 6 tháng đầu năm 1978, phải khẩn trương lập bảng kê khai theo mẫu đã hướng dẫn, gửi về Bộ Tài chính xét duyệt để hoàn thành việc điều chỉnh trước ngày khoá sổ cuối năm, nhằm phản ứng đúng chính sách mới về phân cấp quản lý tài chính của Nhà nước.

3. Gần đây, ở một số địa phương, có tình trạng không thống nhất số liệu tổng hợp về thu, chi ngân sách cả năm, giữa báo cáo của cơ quan Tài chính và báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nhất là về số thu kết dư năm trước chuyển sang năm sau, số thu do ngân sách Trung ương trợ cấp, số kinh phí của ngân sách Trung ương uỷ quyền cho địa phương quản lý, số kinh phí thừa nộp lại ngân sách của các đơn vị dự toán và số tồn quỹ ngân sách địa phương cuối năm chuyển sang năm sau. Để khắc phục hiện tượng này, năm nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước khoá sổ, chậm nhất không quá ngày 31/1/1979, giữa cơ quan Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, phải tổ chức đối chiếu số liệu thu, chi ngân sách năm 1978, xác định sơ bộ số kết dư và tồn quỹ ngân sách 1978 chuyển sang năm 1979, như đã hướng dẫn trong Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước số 14 TT/LB ngày 25/11/1977 (điểm 5 phần IV). Nếu có trường hợp số liệu không thống nhất, cả hai cơ quan cùng phải đi sâu, xác minh nguyên nhân và bàn biện pháp điều chỉnh theo nguyên tắc là: cơ quan nào hạch toán không đúng chế độ, không đúng thực tế thì phải sửa lại. Nếu không thống nhất ý kiến trong việc điều chỉnh, phải lập biên bản ghi rõ nguyên nhân và số chênh lệch cụ thể, báo cáo về Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Trung ương xét và quyết định biện pháp xử lý.

4. Đến ngày khoá sổ cuối năm, nếu chưa nhận được thông báo của Bộ Tài chính duyệt quyết toán ngân sách địa phương năm 1977, khi Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố làm thủ tục chuyển tiền các tài khoản thu, chi ngân sách năm trước thì số kết dư ngân sách địa phương đến cuối năm 1977 được chuyển hết vào thu ngân sách năm 1978, khoản 117 theo mục lục ngân sách Nhà nước 1978. Sau này khi có thông báo duyệt quyết toán chính thức của Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh lại: giảm "Thu kết dư" để chuyển vào "Quỹ dự trữ" theo mức ghi trên thông báo nếu có.

5. Kết thúc ngày 31/12/1978, cơ quan Tài chính phải cùng với Ngân hàng Nhà nước và Chi hàng kiến thiết ở địa phương đối chiếu, xác nhận số liệu và sơ bộ phân tích tình hình thu, chi ngân sách địa phương năm 1978 và gửi báo cáo về Bộ Tài chính.

Đối với những khoản trợ cấp của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương về: chi kinh tế mới, chi về công tác biên giới, chi định canh định cư, chi trợ cấp vốn kiến thiết cơ bản trong năm .. . đều phải kết toán và Chi hàng kiến thiết phải nộp trả lại ngân sách Trung ương theo đúng chế độ hiện hành. Nếu Ty, Sở Tài chính nhận được các khoản trợ cấp nói trên nhưng chưa chuyển hết cho Chi hàng kiến thiết thì cơ quan Tài chính phải nộp trả lại ngân sách Trung ương phần vốn còn giữ lại đó. Khi nhận được chứng từ của cơ quan Tài chính hoặc Ngân hàng kiến thiết gửi đến Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phải trích ngay tài khoản vãng lai với Ngân hàng kiến thiết hoặc tồn quỹ ngân sách của tỉnh, thành phố để chuyển trả ngân sách Trung ương những số tiền thừa nói trên.

Sau khi đã nộp trả ngân sách Trung ương các khoản trợ cấp còn thừa, số tồn quỹ của ngân sách địa phương bao gồm cả số thu trong năm trội hơn số cấp phát trong năm và số tiền kết dư của năm 1977 và các năm trước còn lại, đều được chuyển vào tài khoản tạm thu của năm 1979 để các tỉnh, thành phố chi tiêu cho ngân sách năm 1979. Khi các địa phương lập xong Tổng quyết toán thu, chi ngân sách năm 1978, được Bộ Tài chính xét duyệt, có thông báo chính thức sẽ chuyển số tạm thu đó vào tài khoản "thu kết dư năm trước" của ngân sách năm 1979 (loại V khoản 83 theo mục lục ngân sách 1979).

  - Trong việc thanh toán các tài khoản tiền gửi cũng như tài khoản kinh phí hạn mức của các cơ quan, đơn vị mở tại Ngân hàng Nhà nước, nếu có trường hợp chuyển tiền đi nơi khác mua hàng trong dịp cuối năm, nhưng vì lý do nào đó, không mua được nên Ngân hàng B chuyển trả lại Ngân hàng A và số tiền chuyển trả lại này, sang đầu năm 1979 mới về đến Ngân hàng A, sẽ xử lý như sau:

 a. Căn cứ giấy chuyển tiền của đơn vị, nếu có ghi rõ trích từ khoản, hạng, mục nào thuộc mục lục ngân sách năm 1978, thì Ngân hàng A ghi thu giảm cấp phát vào khoản, hạng, mục đó của ngân sách năm 1978.

b. Nếu giấy chuyển tiền đã trích từ tài khoản tiền gửi dự toán ngân sách nhưng không ghi rõ thuộc khoản, hạng nào, thì Ngân hàng A sẽ ghi vào tạm thu ngân sách năm trước (tài khoản B1) trên sổ sách và báo cáo thu năm 1979, đồng thời báo cho đơn vị biết. Đơn vị có trách nhiệm phân tích và đề nghị Ngân hàng điều chỉnh, ghi thu giảm cấp phát ở khoản, hạng, mục nào cho nhất trí với sổ sách kế toán của đơn vị. Công việc này phải tiến hành trước ngày 31/3/1979. Nếu qua ngày đó, đơn vị không phân tích và không đề nghị Ngân hàng điều chỉnh, sang ngày 1/4/1979, Ngân hàng sẽ chuyển những số tiền còn lại ở tài khoản tạm thu năm trước (B1) vào khoản thu hồi khoản chi năm trước tức là khoản 80, hạng 2 thuộc mục lục thu ngân sách Nhà nước năm 1979.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Nhận được thông tư này, cơ quan Tài chính tỉnh, thành phố cùng với Ngân hàng Nhà nước đồng cấp tổ chức nghiên cứu lại Thông tư số 14 TT/LB ngày 25/11/1977, cùng với những quy định bổ sung trong Thông tư này, liên hệ tình hình thực hiện việc khoá sổ thu, chi ngân sách trong năm vừa qua ở địa phương đã có những ưu, khuyết điểm gì và bàn biện pháp bổ khuyết, đảm bảo cho công tác khoá sổ cuối năm nay đạt được yêu cầu và có tác dụng tích cực. Biện pháp có ý nghĩa quyết định là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ở mỗi cấp từ lúc phổ biến truyền đạt nội dung Thông tư đến quá trình thực hiện, và chú ý thông báo cho nhau những vấn đề cần được giải quyết kịp thời. Cơ quan Ngân hàng Nhà nước, qua chức năng trực tiếp thu nhận tiền vào ngân sách và trực tiếp cấp phát vốn ngân sách, nếu thấy có đơn vị thu không đảm bảo kế hoạch hay chi có tính chất lãng phí (như chi chạy hạn mức, chi vét dự toán, chuyển tiền đi mua hàng trong khi thực tế không có hàng, tạm ứng quá nhiều bằng tiền mặt, rút kinh phí làm nhiều đợt, với khối lượng tiền lớn ...) trong những ngày gần hết năm, cần phản ánh kịp thời, cụ thể cho cơ quan Tài chính đồng cấp để đi sâu, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Trong quá trình phổ biến và thi hành Thông tư này, nếu có vấn đề xét thấy cần được bổ sung hay sửa đổi, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính (Vụ Quản lý ngân sách Nhà nước ) và Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Kế toán và Quản lý quỹ ngân sách) để nghiên cứu bổ quyết ./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Trường

Ðào Thiện Thi

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.