• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/05/2007
UBND TỈNH ĐỒNG NAI
Số: 22/2007/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Nai, ngày 15 tháng 5 năm 2007

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng

của chủ đầu tư là tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

   __________________________________

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng trong những năm gần đây, cùng với những công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, các dự án đầu tư nước ngoài,… thì các công trình xây dựng do tư nhân làm chủ đầu tư (nhà ở, khách sạn, trụ sở làm việc, nhà xưởng…) không ngừng tăng về số lượng và quy mô. Tuy nhiên bên cạnh phần lớn các công trình đều có chất lượng tốt, trong thực tế tại một số nơi vẫn còn có những công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng, thậm chí đã gây ra sự cố như lún sụt, sập đổ làm thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tại Đồng Nai trong những năm qua đối với các công trình do tư nhân làm chủ đầu tư chưa xảy ra sự cố nào nghiêm trọng như: Sụp đổ nhà, nhưng một số hiện tượng như: Nhà lún, nghiêng, nhà bị nứt; thi công không đúng quy trình gây sập ô văng, đổ tường, lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, xây dựng sai giấy phép,… vẫn còn xảy ra.

Qua việc kiểm tra các công trình có sự cố hoặc chất lượng kém do chủ đầu tư là tư nhân cho thấy công tác quản lý khảo sát xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, quản lý chất lượng thi công xây dựng, tổ chức khai thác sử dụng còn nhiều tồn tại. Các tồn tại chủ yếu là: Không thực hiện khảo sát xây dựng, không thuê đơn vị tư vấn lập thiết kế theo quy định, thuê nhà thầu thi công không có đăng ký kinh doanh và không đủ năng lực để thi công, không thuê tổ chức hoặc cá nhân có chuyên môn, đủ năng lực theo quy định để giám sát thi công xây dựng, xây dựng sai thiết kế, giấy phép xây dựng,… Mặc dù Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật (của cả Trung ương và địa phương) đã quy định chặt chẽ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động xây dựng và đã được tập huấn, phổ biến, tuyên truyền, nhưng nhiều chủ đầu tư là tư nhân và các nhà thầu chưa nắm vững được các quy định này đã gây nên các hậu quả đáng tiếc về chất lượng công trình xây dựng.

Thực hiện quy định của Luật Xây dựng, các Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 13/2006/CT-BXD

ngày 23/11/2006 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư là tư nhân; UBND tỉnh Đồng Nai Chỉ thị:

1. Đối với UBND các huyện, thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh:

UBND các huyện, thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ nội dung, trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng (của Trung ương và địa phương) của các dự án đầu tư xây dựng mà chủ đầu tư là tư nhân trên địa bàn của mình. Cụ thể:

a) Đối với công tác cấp phép xây dựng công trình:

Khi cấp phép xây dựng nhà ở, công trình do tư nhân làm chủ đầu tư thì cơ quan cấp phép phải kiểm tra kỹ hồ sơ khảo sát xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Kiểm tra điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.

Đối với việc thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn hoặc bằng 250m2, từ 3 tầng (1 trệt, 2 lầu) trở lên hoặc nhà ở trong các khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân thiết kế có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện.

Đối với việc thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250m2, từ 2 tầng trở xuống thì cá nhân, hộ gia đình được tự tổ chức thiết kế nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.

b) Kiểm tra điều kiện khởi công theo quy định tại Điều 72 của Luật Xây dựng với các nội dung:

- Có mặt bằng xây dựng.

- Có giấy phép xây dựng (đối với công trình phải có giấy phép xây dựng).

- Có thiết kế bản vẽ thi công theo quy định.

- Có hợp đồng xây dựng.

- Có đủ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng công trình.

- Có biện pháp để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

c) Kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép xây dựng của chủ đầu tư.

d) Kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng theo quy định. Cho phép cá nhân được tự tổ chức thi công xây dựng các nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250m2, từ 2 tầng trở xuống nhưng phải có năng lực hành nghề thi công xây dựng công trình và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường.

đ) Kiểm tra công tác giám sát thi công xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, công tác bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường của chủ đầu tư trong quá trình thi công xây dựng.

e) Kiểm tra việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với công trình bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và khuyến khích các chủ đầu tư thực hiện việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với các đối tượng khác.

g) Kiên quyết xử lý những sai sót được phát hiện trong quá trình kiểm tra theo các nội dung trên. Tùy theo mức độ vi phạm, thực hiện các biện pháp như: Đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép xây dựng, thu hồi đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, buộc khôi phục lại theo hiện trạng ban đầu hoặc theo giấy phép xây dựng đã cấp, cưỡng chế buộc tháo dỡ,… và các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý vi phạm phải cương quyết, dứt điểm, không để dây dưa, kéo dài. Không được để xảy ra tình trạng chỉ lập biên bản vi phạm mà không xử lý, phạt rồi cho tồn tại,…

h) Thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng công trình không đúng giấy phép xây dựng đã được cấp; các công trình, nhà ở không đảm bảo chất lượng.

2. Đối với chủ đầu tư:

Các chủ đầu tư công trình là tư nhân cần thực hiện và quản lý chặt chẽ các nội dung sau đây để đảm bảo công trình đạt chất lượng:

a) Về khảo sát xây dựng: Chọn nhà thầu khảo sát xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động khảo sát xây dựng phù hợp theo quy định tại các Điều 58 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP để thực hiện khảo sát xây dựng. Công tác khảo sát xây dựng công trình thực hiện theo Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng về việc “Hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình”, Chỉ thị số 12/2006/CT-BXD ngày 11/09/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng.

b) Về thiết kế xây dựng công trình: Chọn nhà thầu thiết kế xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng công trình, năng lực hành nghề phù hợp theo quy định tại các Điều 59, Điều 60, Điều 61 và Điều 65 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP. Đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250 m2, từ 2 tầng trở xuống thì phải chọn người thiết kế có kinh nghiệm đã từng thiết kế những công trình tương tự có chất lượng đảm bảo.

c) Tổ chức thi công xây dựng công trình:

- Chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình phù hợp để thi công xây dựng công trình theo quy định tại các Điều 63 và Điều 64 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP.

- Chủ đầu tư phải tổ chức việc giám sát thi công xây dựng cho mọi công trình theo nội dung tại Điều 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Đặc biệt lưu ý kiểm tra việc tuân thủ thiết kế đã được chấp thuận của các cơ quan cấp phép xây dựng; kiểm tra về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, cụ thể như: Kiểm tra chất lượng ván khuôn, kiểm tra hệ thống cây chống ván khuôn, giàn giáo thi công; kiểm tra việc che chắn đảm bảo không rơi các cấu kiện, vật liệu gây mất an toàn cho người và công trình. Trường hợp chủ đầu tư không có tổ chức tư vấn giám sát đủ điều kiện năng lực thì phải thuê tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thực hiện. Đối với nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư cần thuê người có chuyên môn để thực hiện giám sát thi công xây dựng.  Người thực hiện việc giám sát thi công xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng phù hợp với công việc, loại, cấp công trình.

- Tổ chức nghiệm thu, tiếp nhận công trình xây dựng theo các quy định nêu tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Người tham gia nghiệm thu, bàn giao công trình phải chịu trách nhiệm cá nhân về sản phẩm do mình xác nhận trong quá trình thi công xây dựng và bàn giao công trình xây dựng.

- Tổ chức thực hiện việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với công trình bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Công tác chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng thực hiện theo Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng về việc “Hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng”.

- Trước khi khởi công xây dựng công trình, Chủ đầu tư phải thông báo ngày khởi công xây dựng công trình cho Ủy ban nhân dân cấp phường, xã biết và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp phép xây dựng, cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương và cộng đồng.

3. Đối với người quản lý sử dụng công trình:

Trong quá trình quản lý sử dụng, người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm: 

a) Tổ chức thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy trình bảo trì công trình xây dựng. Công tác bảo trì thực hiện theo Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24/11/2006 của Bộ Xây dựng về việc “Hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng”.

b) Chủ động kiểm tra nhằm phát hiện các hư hỏng để sửa chữa kịp thời, thông báo kịp thời những hư hỏng lớn làm ảnh hưởng đến an toàn công trình cho cơ quan quản lý có thẩm quyền giải quyết.

4. Đối với các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng:

Các nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng không được thực hiện các hoạt động xây dựng vượt quá điều kiện năng lực của mình; phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ được quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.

5. Tổ chức thực hiện:

UBND các huyện, thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh có trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn Chỉ thị này đến các chủ đầu tư là tư nhân, người quản lý sử dụng công trình, nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng công trình của chủ đầu tư là tư nhân biết và thực hiện đúng Chỉ thị này.

Sở Xây dựng làm đầu mối giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ 06 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đinh Quốc Thái

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.